Thứ hai, Ngày 19/05/2025 -

“Tin nhắn rác” những vấn đề cần quan tâm
Ngày đăng: 20/03/2013  09:41
Mặc định Cỡ chữ

Sự hình thành của tin nhắn

Năm 1993, mạng điện thoại di động đầu tiên của Việt Nam được thiết lập và triển khai cung cấp dịch vụ, đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo điều kiện để ngành Viễn thông đi thẳng vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thực hiện thành công Chiến lược tăng tốc và phát triển Bưu chính, Viễn thông giai đoạn I. Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay đã có 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ điện thoại di động với tổng số thuê bao lên đến 160 triệu.
 
Sự gia tăng nhanh và mạnh về số lượng các thuê bao di động đã tạo điều kiện thuận lợi để các dịch vụ giá trị gia tăng không ngừng phát triển, các công ty thông tin di động đã trực tiếp đồng thời cùng liên kết với các công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí (CP) để triển khai cung cấp dịch vụ. Điện thoại di động không còn là thiết bị đơn thuần phục vụ các cuộc gọi thoại mà có thể được tích hợp để trở thành chiếc ví điện tử phục vụ thanh toán khi mua bán hàng hoá dịch vụ hoặc theo dõi mọi biến động giao dịch của tài khoản trong ngân hàng. Chỉ bằng việc gửi một tin nhắn, người sử dụng có thể tải các hình ảnh, nhạc chuông, bài hát; tra cứu điểm thi; lấy kết quả sổ xố, bóng đá, chứng khoán, giá vàng, dự báo thời tiết hoặc tư vấn tình cảm, kết bạn, v.v...
 
Tin nhắn rác” xuất hiện
 
Ảnh minh họa - Nguồn: TTO
Theo thống kê, hiện tại có khoảng 250 công ty CP ký kết với các công ty thông tin di động để cung cấp dịch vụ, tuy nhiên chỉ một số ít trong số này có triển khai kinh doanh một cách bài bản, rất nhiều công ty ngay sau khi xin giấy phép đăng ký kinh doanh, xin cấp đầu số, thiết lập hệ thống thiết bị, cơ sở dữ liệu đã lập tức thực hiện phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo nhằm quảng cáo, dẫn dắt người sử dụng nhắn tin vào đầu số của mình gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các tin nhắn rác được phát tán từ các số thuê bao di động trả trước, đa số có nội dung không lành mạnh, gây tò mò (bói toán, lô đề, v.v...) hoặc có dấu hiệu lừa đảo như nhắn tin thông báo trúng thưởng, tặng nhạc chuông, hình ảnh nhưng khi chủ thuê bao di động nhắn tin đến đầu số theo hướng dẫn thì lập tức bị trừ tiền. Trên thực tế, rất nhiều người đã là nạn nhân của tình trạng phát tán tin nhắn rác và gặp rất nhiều khó khăn khi muốn khiếu nại dịch vụ.
 
Thực trang tin nhắn rác hiện nay
 
Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hầu hết các Công ty tham gia kinh doanh, cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí (tạm gọi tắt là công ty CP) trên mạng thông tin di động, các công ty này có trụ sở, hệ thống máy chủ, cơ sở dữ liệu, thiết bị chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Các sản phẩm, dịch vụ chính được cung cấp như sau:
 
- Nhạc chuông, logo, bộ sưu tập ảnh của phụ nữ, hình nền cho điện thoại di động.
 
- Cung cấp trò chơi trên điện thoại di động, cài đặt GPRS, nạp tiền vào tài khoản game.
 
- Cung cấp thông tin tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội.
 
- Các hình thức trắc nghiệm, tư vấn tình cảm, kết bạn.
 
- Cung cấp kết quả xổ số, bóng đá, chứng khoán, theo dõi thông tin giao dịch của tài khoản tại ngân hàng, v.v…
 
- Tổ chức các trò chơi dự đoán trúng thưởng, bình chọn kết quả, trao giải trúng thưởng.
 
Để quảng cáo, giới thiệu các dịch vụ trên, hầu hết các CP, SubCP sử dụng hình thức nhắn tin từ các thuê bao di động trả trước không có họ tên, địa chỉ rõ ràng hoặc nếu có thì thông tin cũng không chính xác và khi gọi đến số thuê bao này đều không có tín hiệu trả lời.
 
Về mặt kỹ thuật, người gửi tin nhắn rác thường sử dụng điện thoại di động hoặc Modem GSM/CDMA trị giá khoảng 2 triệu đồng, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính có cài đặt phần mềm gửi/nhận tin nhắn, thiết bị được bán rộng rãi trên thị trường và mỗi giờ có thể tự động phát tán tin nhắn hàng loạt với tốc độ 1000 tin nhắn mỗi giờ.
 
Tác hại của tin nhắn rác
 
- Gây phiền toái, phiền phức cho người sử dụng.
 
- Gửi tin nhắn rác có nội dung bôi xấu nhằm mục đích làm mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan, tố cáo sai sự thật hoặc làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.
 
- Gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng, ví dụ:
 
1. Đối với các tin nhắn lừa đảo, tặng quà, ví dụ điển hình: Một người bạn gái thân thương tặng bài hát "Hãy hát cho lời tình yêu" và lời nhắn, để nhận bài hát và nghe lời nhắn, soạn tin NHAN gửi về xxxx. Các tổ chức, cá nhân đã đánh vào tâm lý của lứa tuổi học trò, học sinh, sinh viên. Tuổi này hay mơ mộng, hình như có cô ấy, bạn ấy đang để ý mình và có thể đó là tín hiệu chăng và nếu các em nhắn tin là bị lừa 15.000 đồng.
 
2. Một số doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác có nội dung trao giải, trúng thưởng hoặc có cung cấp các chương trình trao giải trúng thưởng nhưng trên thực tế việc trúng thưởng, cơ chế, kịch bản để trúng thưởng có thật hay không hoặc chỉ người thân, quen của doanh nghiệp trúng thưởng.
 
3. Các tổ chức, doanh nghiệp còn lợi dụng ngay quy định của Nghị định 90/2008/NĐ-CP về Chống thư rác để lừa đảo: Theo đó nhắn tin từ chối nhận tin quảng cáo là miễn phí nhưng trong tin nhắn rác cũng hướng dẫn từ chối, huỷ dịch vụ thì bị thu tiền mà không biết.
 
4. Đối với các tin nhắn rác cho phép tải game: Tin nhắn rác cho phép người sử dụng tải game và cài đặt vào máy điện thoại, tuy nhiên trong quá trình cài đặt và chơi, tiềm ẩn nguy cơ người sử dụng bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết, không biết bị trừ ở thời điểm nào, gây thiệt hại cho người sử dụng.
 
- Các tin nhắn có nội dung bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc lô đề hoặc phục vụ cho chơi cờ bạc, đánh lô đề đã gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục...
 
Giá cước và niêm yết giá cước dịch vụ
 
- Giá cước nhắn tin đến các đầu số trên được các công ty thông tin di động và CP quy định thống nhất như sau:

STT
Đầu số
Mức cước thu của khách hàng (đ/bản tin)
1
X0XX
500
2
X1XX
1.000
3
X2XX
2.000
4
X3XX
3.000
5
X4XX
4.000
6
X5XX
5.000
7
X6XX
10.000
8
X7XX
15.000

Chữ số thứ hai thể hiện mức cước, X có giá trị từ 0 đến 9.
 
Một số lưu ý đối với người sử dụng dịch vụ:
 
- Khi quảng cáo dịch vụ trên website hoặc các chương trình cài đặt trong điện thoại di động, việc tải các chương trình hoặc các bài hát, v.v… giá cước cũng không được thể hiện ngay ở vị trí dễ nhìn mà phải vào rất nhiều chức năng, hoặc mục nhỏ của chương trình mới có thể thấy giá cước. Các doanh nghiệp cũng không đưa ra các điều kiện cấu hình máy như thế nào mới có thể sử dụng được các dịch vụ, chương trình tải về dẫn tới người sử dụng bị cảm giác bị lừa đảo khi tải chương trình, dịch vụ mà không sử dụng nhưng vẫn bị mất tiền.
 
- Việc tính cước và giám sát tính cước có nhiều hạn chế, khi người sử dụng nhắn tin tới đầu số của CP để yêu cầu cung cấp dịch vụ, lập tức sẽ bị doanh nghiệp thông tin di động trừ tiền trong tài khoản mà không cần biết tin đó có đúng cú pháp hoặc do nhầm lẫn.
 
- Việc giám sát thu cước có đúng hay không thì lại được doanh nghiệp di động quy trách nhiệm cho các CP mà không có sự kiểm tra giám sát dẫn tới tình trạng nếu CP không thông báo về số lượng tin nhắn này thì hai bên vẫn tiến hành đối soát và phân chia doanh thu, trừ khi có khiếu nại của người sử dụng (thông thường rất ít người khiếu nại vì người sử dụng không biết liên hệ với ai, đặc biệt là với người sử dụng ở vùng sâu vùng xa), hoặc khi có khiếu nại thì doanh nghiệp di động lại đẩy trách nhiệm cho CP hoặc ngược lại dẫn đến nhiều khi người sử dụng bỏ qua do thủ tục phức tạp, rườm rà, tốn thời gian. Điều này đã vô tình tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông tin di động, CP và các SubCP thu lợi bất chính.
 
Thanh Tuấn (tổng hợp)
  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2023)

    591.266 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2023)

    34.539,87 tỷ VNĐ
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Kon Tum
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?