Thứ sáu, Ngày 16/05/2025 -
![]() |
Quang cảnh Hội thảo |
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Đức Tuy, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Thế Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu của các Trường Đại học, các Viện, Bệnh viện trong cả nước; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh.
Sâm Ngọc Linh - loài sâm quý hiếm và đặc hữu của Núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam - được khoa học hiện đại và y học cổ truyền ghi nhận có giá trị dược lý cao, với hệ hoạt chất đa dạng, nổi bật là nhóm saponin có cấu trúc phức tạp. Trong hơn 50 năm qua, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã từng bước làm sáng tỏ những đặc điểm hình thái, giải phẫu, thành phần hóa học và tác dụng sinh học của loài sâm này.
Sự quan tâm của giới khoa học đối với Sâm Ngọc Linh không chỉ dừng lại ở yếu tố “quý hiếm” hay “đặc hữu”, mà ngày càng được mở rộng sang các lĩnh vực chuyên sâu hơn như sinh học phân tử, công nghệ sinh học, hóa dược, sinh lý học, công nghệ chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, quản trị chất lượng và phát triển sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tuy khẳng định Hội thảo khoa học "Các nghiên cứu mới về Sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng" là hoạt động vô cùng ý nghĩa, mang tầm chiến lược về khoa học, góp phần khẳng định giá trị và vị thế của loài dược liệu quý Sâm Ngọc Linh, nhất là trong giai đoạn hiện nay Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương xem phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng chí cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã trồng được khoảng 2.922 ha Sâm Ngọc Linh, đạt 65% mục tiêu Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy đến năm 2025. Để bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh và người tiêu dùng, tỉnh Kon Tum đã bố trí hơn 13 tỷ đồng để đầu tư hệ thống thiết bị phân tích ADN và thiết bị phân tích, kiểm định các thành phần của Sâm; hàng nghìn cây giống Sâm Ngọc Linh đã được cấp phát miễn phí cho các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS vùng dự án.
Đồng chí tin tưởng rằng, những kết quả nghiên cứu được công bố cùng ý kiến tham vấn từ các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp sẽ góp phần khẳng định rõ hơn những công dụng, tiềm năng dược lý của Sâm Ngọc Linh, cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho việc ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đồng thời, cam kết và sẽ làm hết sức mình để tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội và xúc tiến đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ Sâm Ngọc Linh. Kết quả Hội thảo hôm nay sẽ không dừng lại ở học thuật, mà sẽ được cụ thể hóa thành chính sách, chương trình, dự án thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đại biểu trình bày các nghiên cứu mới của Sâm Ngọc Linh tại hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những phát hiện mới về đặc điểm sinh học, dược lý, hóa học và gen của Sâm Ngọc Linh - căn cứ để khẳng định tính ưu việt của loài sâm này so với các loài sâm trên thế giới; khả năng nhân giống, phát triển vùng nguyên liệu và bảo tồn nguồn gen bền vững - phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù của vùng núi Ngọc Linh; công nghệ sau thu hoạch, chế biến sâu, tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc - yếu tố then chốt để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; các mô hình quản lý, hợp tác công - tư trong nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm sâm - từ đó gắn nghiên cứu với ứng dụng, thị trường và chiến lược quốc gia. Đồng thời, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo tồn, chế biến và phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội thảo |
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Những nội dung và ý kiến tại Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, góp phần giúp tỉnh Kon Tum rà soát, điều chỉnh định hướng phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh - sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm quốc gia và mang tầm chiến lược phát triển bền vững của địa phương.
UBND tỉnh Kon Tum sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, tiếp tục chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa thành chương trình, đề án, cơ chế chính sách thiết thực, phù hợp.
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với nhà nghiên cứu |
Minh Huệ
Tin tức liên quan