Thứ 3, Ngày 17/09/2024 -

Khởi nghiệp từ mô hình chế biến dược liệu
Ngày đăng: 28/11/2018  07:19
Mặc định Cỡ chữ
Nhờ biết nắm bắt cơ hội và mạnh dạn đầu tư, Bền Chí Thịnh - sinh năm 1987, dân tộc Xơ Đăng, trú tại thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đã tìm được hướng khởi nghiệp đầy hứa hẹn với sản phẩm chế biến dược liệu.

 


Bền Chí Thịnh với các sản phẩm dược liệu khô của gia đình
 
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng, không xin việc tại các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, Bền Chí Thịnh về tại địa phương mạnh dạn đầu tư mô hình chế biến dược liệu và thành lập Hộ kinh doanh KORA do mình làm chủ thỏa ước mơ đã “thai nghén” bao năm nay.
 
Mới đầu không có tiền thuê nhân công, lao động chính của cơ sở chỉ là hai vợ chồng, phụ trách từ công đoạn thu mua nguyên vật liệu đầu vào, chế biến đến tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
 
Ngoài nguồn nguyên liệu thu mua tại các vườn dược liệu ở huyện Kon Plông, Đăk Glei và Tu Mơ Rông, vợ chồng Thịnh chú trọng tới việc mua dược liệu tự nhiên do bà con thu hái từ rừng về bởi đây là nguồn dược liệu có nhiều dược tính hơn mang lại hiệu quả điều trị các loại bệnh cao hơn hẳn.
 
Sản phẩm đầu tiên của gia đình Bền Chí Thịnh cung cấp ra thị trường tiêu thụ là các sản phẩm dược liệu được sấy khô, đóng gói mang thương hiệu KORA. Tuy nhiên, nhờ năng động nên Thịnh luôn chủ động được nguồn nguyên liệu có chất lượng cao từ núi rừng, vì vậy nhiều khách hàng đã tin tưởng đặt mua về dùng hay làm quà biếu ngày càng nhiều.
 
Được sự “hậu thuẫn” đắc lực của 2 người chị gái là Bền Thị Thùy Trang, Dược sỹ Đại học đang dạy tại Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Đăk Lắk và Bền Thị Thùy Dương Dược sỹ Đại học hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kon Plông nên vợ chồng Bền Chí Thịnh bắt đầu chuyển hướng sang nghiên cứu và chế biến dược liệu sâu với mong muốn mang lại giá trị dược tính cao hơn, đa dạng các sản phẩm dược liệu hơn cho người tiêu dùng lựa chọn.
 

Bền Chí Thịnh (thứ 2, bên trái) giới thiệu sản phẩm dược liệu được chế biến thành dạng cao cho ĐVTN 
 
Hiện nay, Bền Chí Thịnh cùng 2 chị gái đang nghiên cứu, chế biến 40 dược liệu rừng mang nhãn hiệu KORA, như: nấm hồng chi, nấm lim xanh, cốt toái bổ, thổ phục linh, sơn tra, chuối hột rừng, hồng đảng sâm, vương tôn, hoàn ngọc, nhân trần, chè vằng, lạc tiên, rễ cây na, vàng đắng, xáo tam phân, giảo cổ lam, mật nhân, nấm trúc, xích đồng nam, cà gai leo, trà dây, tiêu rừng, giấm sơn tra, rượu vang sơn tra, hà thủ ô, hạt mã tiền, khổ qua, sâm Ngọc Linh, sâm đương quy, hạt khổ sâm, mướp đắng rừng, mật ong, huyết đằng, sâm cau, thạch xương bồ...thành các sản phẩm dạng khô, nước và cao.
 
Mạnh dạn trong tìm hướng đi mới khởi nghiệp, Bền Chí Thịnh đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng, tuyên dương. Tiêu biểu như Huyện đoàn Kon Rẫy tuyên dương thanh niên học tập và làm theo lời Bác năm 2017; UBND huyện Kon Rẫy khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tỉnh đoàn Kon Tum trao tặng giải Ba cho Dự án "Hộ kinh doanh KORA" trong cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”…
 
Tất cả mới chỉ là bắt đầu với chàng trai 31 tuổi với nhiều đam mê, hoài bão Bền Chí Thịnh. “Để chủ động hơn nguồn nguyên liệu, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, em đang có kế hoạch liên kết với thanh niên nông thôn và người dân địa phương phát triển vùng dược liệu. Nguồn vốn ít thì đầu tư ít, mỗi năm sẽ mở rộng diện tích thêm lên. Vừa phong phú nguồn nguyên liệu, vừa giải quyết việc làm cho người dân, từ đó có thêm thu nhập, nâng cao đời sống gia đình” – Bền Chí Thịnh chia sẻ.
Bài, ảnh: Dương Nương
  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2022)

    579.914 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2022)

    30.848,84 tỷ VNĐ
Trình chiếu hình ảnh cờ Tổ quốc Việt Nam
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?