Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Sầm Văn Phá - điển hình trong phát triển kinh tế của huyện Kon Rẫy
Ngày đăng: 27/06/2019  17:18
Mặc định Cỡ chữ
Đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Sâm Văn Phá, 54 tuổi, dân tộc Nùng, cư trú tại thôn 3, thị trấn Đăk Rve vừa vinh dự được chọn là 1 trong 12 điển hình tiên tiến đại diện cho trên 18 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Kon Rẫy đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số của huyện lần thứ III vừa qua.

 

Ông Sầm Văn Phá tại Đại hội đại biểu các DTTS

huyện Kon Rẫy vừa qua

 

Năm 1990, ông Sâm Văn Phá và gia đình từ Cao Bằng vào sinh sống và lập nghiệp tại thôn 5, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy. Ông tâm sự “Trong qua trình sinh sống và lao động tại đây, bản thân luôn vận động gia đình, bà con lối xóm chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của thôn và cấp trên phát động”.

 

Trong những năm qua được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước dành cho miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số với các chương trình, dự án, chính sách ưu đãi, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân sinh... ông Sầm Văn Phá và gia đình đã mạnh vay vốn, nỗ lực, phấn đấu lao động sản xuất, khai hoang được 4,5 ha đất canh tác để làm nông nghiệp.

 

Lúc đầu với số vốn ít ỏi, chỉ mua được những cây trồng ngắn ngày như ngô, khoai, từ đó cho thu nhập dần dần cải thiện lại mua thêm trâu, bò. Từ nuôi trâu, bò và thu nhập nông sản hàng năm, cuộc sống gia đình dần được cải thiện, ổn định và có tiền trang trải nuôi con ăn học.

 

Ông Sầm Văn Phá giải bày: Tuy nhiên trong thời gian canh tác các loại cây trồng ngắn ngày, bản thân tôi cảm thấy như vậy không thể bền vững được. Tôi mạnh dạn vay tiếp vốn ngân hàng, chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp lâu năm.

 

Về phát triển kinh tế kinh tế hộ, gia đình ông Sầm Văn Phá là một trong những hộ đi đầu trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn bà con dân làng tập trung phát triển cây công nghiệp như: cao su, bời lời và chăn nuôi để có cái ăn, cái mặc, nuôi con học hành, biết cái chữ để sau này về giúp thôn, làng...

 

Đến nay gia đình ông Sầm Văn Phá đã có hơn 1,5 ha cao su đang trong giai đoạn thu hoạch; 2,5 ha đất trồng bời lời, ruộng nước, rau màu... Bên cạnh phát triển trồng trọt, gia đình còn có hàng chục con thỏ mẹ, gà, lợn, bò; mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

 

Chăm chỉ làm kinh tế nhưng không bỏ quên việc học hành của con cái. Ông luôn nói với các con “phải có cái chữ thì sau này cuộc sống mới bớt khổ, làm gì cũng dễ dàng hơn”. Vì vậy, đến nay gia đình ông có 2 người con đều đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và đang công tác tại các cơ quan tư nhân ngoài tỉnh.

 

Có được những kết quả như ngày hôm nay, ông Sầm Văn Phá cho biết, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cho gia đình được tiếp cận với các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia như Chương trình xóa đói, giảm nghèo hay nhiều chương trình vay vốn sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm cho nhân dân; còn nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình, từ sản xuất cây ngắn ngày, kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp dài ngày và đặc biệt là mô hình chăn nuôi thỏ. Song song với đó là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh tăng năng suất…nhờ đó mà hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình năm sau luôn cao hơn năm trước.

 

Bài, ảnh: Dương Nương