Thứ hai, Ngày 12/05/2025 -

Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Ngày đăng: 11/05/2025  12:17
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 11/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Cùng dự tại điểm cầu Trung ương, có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. 

Các đại biểu tham dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các Thành viên Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

 

Tính đến ngày 07/5, cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 căn nhà tạm, nhà dột nát (111.000 căn nhà đã khánh thành và 98.000 căn đã khởi công trong quá trình xây dựng); như vậy, từ Phiên họp thứ ba đến nay cả nước xóa thêm 87.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, bình quân tăng 26 căn/địa phương/ngày. Khởi công, hoàn thành khoảng 77% số nhà tạm, nhà dột nát cho cả ba đối tượng. Trong đó, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình MTQG xóa nhà tạm, nhà dột nát có tỷ lệ khởi công và hoàn thành cao nhất, khoảng 80%.

 

Về huy động nguồn lực, các đơn vị tài trợ đã chuyển 3.142 tỉ đồng, đạt 91%; huy động xã hội hóa của các địa phương 1.807 tỉ đồng; đóng góp của hộ gia đình 1.074 tỉ đồng. Hiện cả nước có 15 tỉnh, thành phố không còn nhà tạm, nhà dột nát. Theo kế hoạch, đến 31/10/2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

 

Tại phiên họp, các thành viên  Ban Chỉ đạo Trung ương và đại diện các địa phương đã thảo luận, chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát hiện nay. Trong đó, tập trung chủ yếu vào vấn đề chậm phân bổ nguồn kinh phí và việc tự huy động nguồn lực khiêm tốn; vướng mắc về đất đai... Từ đây, đề xuất những những giải pháp, cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian tới.

 

Trên địa bàn tỉnh ta, tổng số nhà tạm, nhà dột nát 2.752 căn, trong đó, nhu cầu xây mới 2.186 căn; sửa chữa 566 căn. Tính đến 15h ngày 07/5, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 2.385 hộ/2.752 hộ (xây mới 1.850 căn, sửa chữa 535 căn), đạt tỷ lệ 86,66%, trong đó đã hoàn thành 1.249 hộ.

 

Kết luận tại Phiên họp, Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao sự nổ lực của Bộ Dân tộc và Tôn giáo và các bộ ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện tại địa phương.

 

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện, không để người dân nào phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát; xử lý kịp thời các khó khăn; triển khai chương trình có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực một cách phù hợp; tích cực tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, huy động kinh phí, nhân lực của địa phương hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát hoàn thành xóa nhà tạm nhà dột nát đến 31/10/2025; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ nhà cho các gia đình thương binh liệt sỹ trước ngày 27/7; cho người có công cách mạng trước ngày 02/9 với tinh thần ai có gì giúp nấy và huy động sự đóng góp của toàn dân.

 

Huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ; nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền; linh hoạt trong triển khai thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng công trình; sử dụng tối đa nguyên vật liệu tại chỗ; khai thác tối đa nguyên vật liệu tại chỗ để giảm chi phí xây dựng...

 

Lê Hằng