Thứ 5, Ngày 01/05/2025 -

Xu hướng tích hợp báo trực tuyến với các loại hình báo chí truyền thống
Ngày đăng: 28/09/2012  09:40
Mặc định Cỡ chữ
Là loại hình báo chí “sinh sau đẻ muộn” nhưng báo trực tuyến đã, đang thể hiện sức mạnh của mình như một thư viện khổng lồ, lưu giữ nội dung thông tin vô cùng phong phú; khả năng truy xuất, lưu giữ thông tin nhanh chóng; khả năng tương tác, phản hồi giữa công chúng với từng bài báo cao; hoạt động giao lưu trực tuyến nhanh chóng, hiệu quả. Báo trực tuyến còn là sự tổng hợp của công nghệ đa phương tiện, chuyển tải văn bản, hình ảnh như báo in, âm thanh, video như phát thanh, truyền hình.

 

Xu hướng kết hợp báo trực tuyến với báo in, phát thanh, truyền hình đang trở nên phổ biến mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bởi nó tăng thêm sức mạnh cho loại hình báo chí truyền thống, giúp công chúng có thể tiếp cận thông tin bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu miễn là có kết nối Internet. Báo trực tuyến tác động mạnh mẽ, làm thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin nơi công chúng, đồng thời tạo dựng diện mạo truyền thông mới.
 
Nguyên nhân xu hướng
 
Thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, đặc biệt là công nghệ máy tính và công nghệ mạn, các thế hệ máy tính nối tiếp nhau ra đời, dung lượng và tốc độ xử lý ngày một tăng lên. Cơ sở hạ tầng thông tin của các quốc gia cũng không ngừng được nâng cấp, tốc độ đường truyền mạng cải thiện rõ rệt.
 
Thứ hai, nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng tăng cao, nhu cầu thông tin tổng hợp nhiều loại hình báo chí cần phong phú, đa dạng. Kèm theo đó là nhu cầu được thể hiện thái độ đối với thông tin được cung cấp. Công chúng không còn thụ động trong quá trình truyền thông, họ trở thành người thẩm định thông tin, phản hồi về thông tin được cung cấp, hơn nữa họ là nguồn cung cấp thông tin quan trọng (tương tác trực tuyến cho phép họ thực hiện điều đó dễ dàng).
 
Thứ ba, nhu cầu phát triển tự thân của các loại hình báo chí truyền thống trước xu thế cạnh tranh gay gắt của các loại hình phương tiện truyền thông khác, các tờ báo in, đài phát thanh, truyền hình cũng muốn trang bị cho mình khả năng nắm bắt và truyền tải thông tin nhanh chóng. Ở thời đại ngày nay, ai tiếp cận Internet người đó nắm trong tay sức mạnh thông tin. Báo in, phát thanh, truyền hình không thể giữ mãi đặc trưng nguyên thủy, bắt buộc phải thay đổi, hiện đại hóa mình để đến gần công chúng hơn. Do đó, nảy sinh sự kết hợp báo trực tuyến với báo viết, báo nói và báo hình.
 
Báo trực tuyến “bắt tay” với các loại hình báo chí truyền thống
 
Báo in
 
Hiện nay, hầu hết các tờ báo in lớn, có lượng công chúng đông đảo đều xây dựng phiên bản trực tuyến và đưa nội dung lên mạng Internet. Việc này đòi hỏi đầu tư rất lớn, sẽ đặt ra vấn đề: liệu lượng công chúng báo in có giảm đi không? Và báo in có mất đi lượng thu nhập đáng kể hay không? Thực tế cho thấy điều này không xảy ra, thậm chí lượng phát hành của các tờ báo in lại tăng lên nhanh chóng. Nguyên nhân của việc này là nhờ lên trực tuyến, khả năng cập nhật tin tức của mỗi tờ báo lên tới từng giờ, từng phút thay vì từng ngày như trước đây. Thêm vào đó, nhờ việc trực tuyến hoá sự hiện diện của tờ báo không còn hạn hẹp trong khuôn khổ một quốc gia, các tờ báo in có thể khuếch trương hình ảnh của mình khắp thế giới. Điển hình là tờ Thanh Niên, sau hơn 3 năm phiên bản trực tuyến xuất hiện, lượng phát hành báo in tăng  lên 25%. Thanh Niên còn đầu tư một máy chủ phiên bản tiếng Anh đặt tại New York, Mỹ tạo điều kiện cho bà con Việt kiều truy cập thông tin dễ dàng.
 
Phiên bản trực tuyến của tờ Thanh Niên
 
Sự xuất hiện phiên bản trực tuyến của báo in đã tác động rất lớn đến cách thức cung cấp thông tin: Trước hết đó là sự thay đổi về nhịp độ sản xuất tin tức, thay vì nguyên tắc “một hạn chót mỗi ngày” là chế độ 24/7 (24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần). Báo trực tuyến thực hiện được điều này là nhờ có đặc trưng nổi bật: tính phi định kì. Tính phi định kì cho phép nhà báp cập nhật thông tin bất kì thời điểm nào trong ngày, cho phép công chúng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Tại Việt Nam, các tờ Tuổi trẻ, Người Lao động, Thanh Niên đã xây dựng người anh em trực tuyến của mình từ rất sớm, có hẳn một đội ngũ biên tập riêng, biên dịch và hiệu đính riêng. Trên thế giới một số tờ báo nổi tiếng cũng lên mạng trực tuyến từ rất sớm. Điển hình là tờ NewYork Times, ở địa chỉ www.nytimes.com, với vị thế “phiên bản trực tuyến của báo in được nhiều người ghé thăm nhất thế giới”. Năm 2007, www.nytimes có 14,6 triệu khách mỗi tháng, đến nay đã tăng lên hơn 27 triệu khách mỗi tháng. Trung bình mỗi người dành 34 phút trên www.nytimes.com. Tờ báo mạng đứng thứ hai là www.usatoday.com chỉ được 9,9 triệu khách/tháng, mỗi khách dành 16 phút để xem.
 
Phát thanh, truyền hình
 
Internet đặt ra những thách thức cạnh tranh song cũng mang đến những cơ hội cho các đài phát thanh, truyền hình. Các đài phát thanh, truyền hình có thể hướng khán giả vào những trang trực tuyến của mình để có được thông tin chi tiết hơn, hoặc xem những chương trình mà họ đã bỏ lỡ. Công chúng chỉ cần click chuột, sau vài giây đã có thể nghe, xem chương trình ở tận châu Mỹ, châu Âu, châu Á. Công chúng có thể nghe lại nhiều lần, tải về (download) các chương trình ưa thích, điều này đối với phát thanh, truyền hình truyền thống là không thể. Đó là những ưu điểm tuyệt vời mà phiên bản trực tuyến của các đài phát thanh, truyền hình mang đến cho công chúng.
 
Phiên bản trực tuyến của Đài Truyền hình Việt Nam
 
Phát thanh trực tuyến chính là sự kết hợp giữa báo trực tuyến với đài phát thanh, dựa trên nền tảng Phát thanh Kĩ thuật số. Trên mạng Internet công chúng có thể nghe những buổi phát thanh, chương trình phát thanh nào vào những giờ mà họ thích nghe. Đặc trưng phát thanh “nghe chỉ một lần” không còn tồn tại. Ngày 3/2/1999 VOV News- website của Đài tiếng nói Việt Nam ra đời, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hiện đại hóa phát thanh Việt Nam, đưa phát thanh đến với toàn bộ công chúng trong và ngoài nước. Ngày 9/2/1999 Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) xác định đối tượng phục vụ của VOV News là: “Tất cả các cơ quan và người sử dụng Internet muốn theo dõi các chương trinh của Đài Tiếng nói Việt Nam trên Internet”.
 
Đài truyền hình Việt Nam cũng đưa nội dung chương trình lên mạng trực tuyến ở địa chỉ www.vtv.vn . Trang web này có các chuyên mục như: Thời sự, Công nghệ, Show-game, Thể thao, Ca nhạc, Khác, mỗi chuyên mục lại có nhiều tiểu mục với nội dung chuyên biệt. www.vtv.vn cho phép công chúng theo dõi nội dung của các kênh Vtv1. Vtv2,Vtv3, Vtv4, Vtv6, INFOTV. Đặc biệt, đăng tải tất cả các chương trình thời sự luc 19h hàng ngày. Nhờ đó, khán giả trong và ngoài nước có thể xem các chương trình hấp dẫn của VTV. Mỗi tháng phiên bản trực tuyến này có hàng triệu lượt truy cập.
 
Phiên bản trực tuyến của Đài Tiếng nói Việt Nam
 
Cái “bắt tay” giữa báo trực tuyến với các loại hình báo chí truyền thống đã tăng cường sức mạnh lên gấp nhiều lần cho báo chí Việt Nam. Với ưu thế hội tụ đủ thế mạnh của báo giấy, báo nói và báo hình, báo trực tuyến trở thành món ăn tinh thần quen thuộc với công chúng Việt Nam, cung cấp một lượng thông tin khổng lồ, bất chấp những giới hạn về thời gian và  không gian.
 
Hà Oanh
  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2023)

    591.266 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2023)

    34.539,87 tỷ VNĐ
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Kon Tum
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?