Thứ 3, Ngày 21/05/2024 -

Hội nghị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024
Ngày đăng: 10/05/2024  14:55
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 10/5, tại điểm cầu Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2024.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh và Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự các huyện, thành phố.

 

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, toàn quốc xảy ra thiên tai cực đoan trên các vùng miền với gần 2.000 trận với 21/22 loại hình, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt trên diện rộng. Ngoài ra còn xảy ra hơn 5.300 sự cố, thiên tai làm hơn 1.100 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 9.300 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính gần 400 tỷ đồng.

 

Với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, công tác PCTT&TKCN năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức gần 240 lớp đào tạo, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn; điều động hơn 204.000 lượt người/23.000 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả hơn 4.300 vụ sự cố, thiên tai, cứu được gần 4.000 người; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ di dời hơn 960.000 người, hơn 201.000 phương tiện; kiểm đếm, hướng dẫn hơn 328.000 lượt tàu/1 triệu 6 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão. Các cơ quan thông tin, báo chí đăng tải hơn 40.000 tin, bài về PCTT.

 

Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ hơn 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương cho 43 tỉnh, thành phố phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp hơn 160 tấn hạt giống lúa, ngô, rau... cho các địa phương để kịp thời ổn định sản xuất sau thiên tai.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTC&TKCN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ ở một số địa phương vẫn còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình PCTT còn thấp; việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn; công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai cực đoan còn hạn chế...

 

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT&TKCN từ năm 2023 đến nay; từ đó đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác PCTC&TKCN trong năm 2024.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, cảnh giác trong công tác PCTT&TKCN của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ ngày 01/7/2024, Luật Phòng thủ dân sự sẽ có hiệu lực, công tác tổ chức PCTT của các địa phương sẽ quy về đầu mối là Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự cấp quốc gia, ở các địa phương là Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương, do quân đội chủ trì.

 

Để phòng, chống, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần kiện toàn lại bộ máy PCTT-TKCN và phòng, thủ dân sự; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt trên mạng xã hội; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên rà soát, điều chỉnh kịch bản phòng chống thiên để sát thực tế diễn biến; nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo chính xác, kịp thời; nâng cao năng lực điều hành của từng địa phương…

 

Nguyễn Hiệp