Hiện nay, cả nước hơn 700 cơ quan báo chí in; trên 500 tạp chí; gần 500 đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, 05 báo điện tử lớn, hàng trăm trang thông tin điện tử, hàng ngàn website, với hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ. Mỗi loại hình báo chí: báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử đều có những đặc trưng riêng biệt, đòi hỏi nhà báo có những kĩ năng nghiệp vụ khác nhau. Tuy nhiên, đều hướng đến mục đích chung là cung cấp thông tin cho công chúng trong khoảng thời gian ngắn nhất khó thể, tạo dựng và định hướng dư luận xã hội, mang đến cho công chúng cái nhìn toàn diện và đúng đắn về sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống. Muốn đạt được điều đó, nhà báo phải dùng cả trái tim, trí tuệ, bản lĩnh để thực hiện tác phẩm dù đó là tin vắn hay phóng sự, dù đó là đề tài nóng hổi hay đề tài lâu dài, dù vấn đề đó mang tính chất địa phương hay toàn quốc. Giáo sư Y-a-xen N.Da-xu-rơ-xki: “Báo chí là một nghệ thuật, nghệ thuật thuyết phục. Nhà báo phải thuyết phục công chúng bằng những văn bản thuyết phục”. Xã hội giao cho trọng trách đầy vinh dự, nhưng đồng thời xã hội cũng đòi hỏi các nhà báo phải ý thức trách nhiệm trong việc nỗ lực, rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, xứng đáng với mục tiêu “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
“Mắt sáng” là tiêu chí đầu tiên trong hoạt động nghề nghiệp của nhà báo. Tiêu chí này đòi hỏi nhà báo phải có cái nhìn tinh anh, nhanh chóng phát hiện ra vấn đề “nổi cộm” trong xã hội, từ đó phản ánh vấn đề một cách sâu sắc, đúng đắn. Tuy nhiên, không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên mặt báo, và cũng không phải bất kì sự thật nào cũng có thể “phanh phui” một cách trọn vẹn. Điều đó, đòi hỏi nhà báo phải có đôi “mắt sáng” để lựa chọn đúng đắn vấn đề và xây dựng nội dung bài báo sao cho không đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, đất nước. “Mắt sáng” cũng đặt ra yêu cầu với nhà báo phải thể hiện tính khuynh hướng, thể hiện cái nhìn toàn diện, đúng sự việc, không phiến diện, áp đặt vấn đề theo ý kiến cá nhân.
“Lòng trong” chính là đạo đức của người cầm bút. Nhà báo phải đứng trên mọi luồng dư luận từ nhiều phía, để giữ vững quan điểm, phản ánh đầy đủ bản chất sự việc. Tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân mà hướng nội dung bài viết theo ý chủ quan, có lợi cho bản thân hoặc thế lực nào đó. Sức mạnh của bài viết thể hiện trên từng câu chữ, làm nổi bật lên quan điểm rõ ràng, chính kiến vững chắc. “Lòng trong” đòi hỏi nhà báo phải giữ cái tâm trong sạch, đạo đức nghề nghiệp vững bền. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi nền báo chí hoặc mỗi tờ báo lớn lại có bộ quy tắc riêng cho nhà báo của mình. Khi một nhà báo luôn tâm niệm những quy tắc nghề nghiệp thì họ sẽ đứng vững được trước những cám dỗ tầm thường.
Mắt có sáng và lòng có trong thì mới đạt được “Bút sắc”. “Bút sắc” chính là sức mạnh của nội dung bài viết tác động đến công chúng, làm thay đổi cuộc sống, xã hội theo hướng tích cực. Bằng những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, nhà báo sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, điêu luyện của mình để nêu bật vấn đề cần phản ánh. “Bút sắc” là vũ khí đắc lực để nhà báo ra tay đấu tranh với cái sai trái, đi ngược lại với lợi ích nhân dân, làm trì trệ nền kinh tế đất nước đang trên đà phát triển. Đồng thời, dựa trên ngòi “bút sắc”, nhà báo làm nhiệm vụ phơi bày sự thật trước công chúng, chống lại cái xấu xa, làm trong sạch xã hội. Mọi hành động nhằm “bẻ cong ngòi bút”, sử dụng danh nghĩa nhà báo để mưu cầu, vụ lợi cá nhân đều phải được chấn chỉnh thích đáng.
 |
Nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình Kon Tum đang tác nghiệp. |
Nghề báo đầy vinh quang nhưng cũng nhiều cám dỗ bủa vây, nhiều nụ cười nhưng cũng không thiếu những giọt nước mắt. Nghề báo đầy danh vọng song cũng là những khoảnh khắc chiến tranh tàn khốc trong cả suy nghĩ và hành động. Nếu như không được tôi luyện kĩ càng, thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp và đặt lợi ích đất nước lên trên tất cả thì nhà báo rất dễ sa ngã, bị cuốn trôi vào những sai lầm không cách gì khắc phục được. Một phút vội vàng đưa lên mặt báo những thông tin chưa kiểm nghiệm kĩ càng; Một giây hạ mình trước sức mạnh đồng tiền nhơ bẩn; Một thoáng suy nghĩ tính toán vụ lợi cá nhân,…đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội, đồng thời làm suy sụp hình ảnh, hủy hoại thanh danh nghề nghiệp mà cả đời nhà báo phấn đấu, tôi luyện. Nghề báo là trường học nghiêm khắc, rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ, tôi luyện con người để đạt đến “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” bắt buộc mỗi nhà báo phải có có nghĩa vụ thông tin trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Chỉ có thông tin trung thực, khách quan thì tờ báo mới chiếm được niềm tin công chúng - yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự tồn tại của tờ báo. Niềm tin công chúng là sự tin tưởng của công chúng đối với chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra. Từ đây, báo chí mới có thể tạo lập và định hướng dư luận xã hội, công chúng sẽ có phản hồi và tích cực hợp tác, trở thành nguồn tin của báo chí. Niềm tin mà báo chí có được từ công chúng đã làm nên những điều kì diệu, có thể thay đổi định kiến xã hội, điều chỉnh dư luận xã hội theo hướng tích cực. Ngược lại, nếu báo chí đưa tin hời hợt, thiếu kiểm nghiệm nội dung nghiêm ngặt, chạy theo những giá trị “câu khách” rẻ tiền, nhất thời thì sớm muộn gì cũng mất đi niềm tin công chúng và dẫn đến hậu quả tất yếu là tờ báo bị đào thải ra khỏi nền báo chí chính thống.
Báo chí được mệnh danh là “Quyền lực thứ tư” sau Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Thế nhưng “Quyền lực thứ tư” lại là quyền lực đặc biệt, nó không hề hiện hình nguyên vẹn, là nguyên tắc được ghi bằng giấy trắng mực đen. “Quyền lực thứ tư” vô hình nhưng mang trong mình sức mạnh to lớn, đó là quyền tạo ra và điều chỉnh dư luận xã hội. Bằng “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” đã được tôi luyện qua thực tiễn, các nhà báo dám phản ánh sự thật, bóc trần những cái xấu, kêu gọi công chúng đấu tranh chống lại tiêu cực, góp phần tạo nên xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quyền lực của báo chỉ là ở đấy.
Đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, Việt Nam gia nhập vào guồng máy thương mại thế giới một cách tự tin và độc lập, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thực tế đã chứng minh điều đó. Trong bối cảnh đó, báo chí càng phải nỗ lực gấp nhiều lần để bắt kịp xu thế và phản ánh đúng đắn xã hội. Điều này cũng đưa đến những thời cơ và thách thức, đặt ra yêu cầu ngày càng cao với nhà báo, phải không ngừng trau dồi, bồi dưỡng nghiệp vụ, phải luôn giữ mình trong sạch, công tâm. “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là những điều kiện tiên quyết trong hoạt động báo chí, là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm mà mỗi nhà báo chân chính phải “khắc cốt ghi tâm” vì một nền báo chí trong sạch, vững mạnh.
Hà Oanh