Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Kon Tum: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10
Ngày đăng: 22/06/2022  22:44
Mặc định Cỡ chữ
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của cả nước.
Thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: Nguồn Internet

 

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh đối với cả nước. Song, Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng là một trong những vùng khó khăn nhất của cả nước. Kinh tế chậm phát triển; kết cấu hạ tầng yếu kém; dân cư thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo cao. An ninh chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

 

Xuất phát từ vị trí, vai trò và tình hình phát triển vùng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-01-2002 “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011 “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa 9) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020”.

 

Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của vùng so với cả nước;  kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Triển khai Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Chương trình số 28-CTr/TU ngày 04-5-2012 để triển khai thực hiện; đồng thời chỉ đạo lồng ghép các nội dung trên vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum qua các nhiệm kỳ và các Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, cụ thể hóa trong các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và hàng năm của địa phương để triển khai thực hiện.

 

Kết quả, trong giai đoạn 2002 - 2020, kinh tế của tỉnh Kon Tum đạt tốc độ tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên, quy mô của nền kinh tế năm 2020 đạt 24.003 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so với năm 2002, bình quân giai đoạn tăng trưởng 10,18%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, tăng khoảng 10 lần và đạt khoảng 28,5 triệu đồng/người năm 2020. Thu, chi ngân sách có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 162 tỷ đồng lên 3.032 tỷ đồng, tăng gấp 18,7 lần. Tổng chi ngân sách địa phương bình quân giai đoạn tăng 16,3%/năm. Năng suất lao động của tỉnh tăng dần qua các năm, trung bình giai đoạn 2011 - 2015 là 33,63 triệu đồng/lao động/năm tăng lên 43 triệu đồng/lao động/năm vào giai đoạn 2016 - 2020; đạt mức tăng trưởng 5,43%/năm.

 

Trong giai đoạn 2002 – 2020, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh cơ bản đúng định hướng; Quy mô ngành công nghiệp có sự tăng trưởng khá, từ 402 tỷ đồng năm 2002 lên 10.500 tỷ đồng năm 2020, tăng gấp 26 lần; Ngành nông nghiệp tăng từ 492 tỷ đồng năm 2002 lên 3.240 tỷ đồng năm 2020, tăng 6,6 lần; Ngành dịch vụ tăng từ 409 tỷ đồng năm 2002 lên 10.755 tỷ đồng năm 2020, gấp khoảng 26,3 lần; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 đạt 22.258,7 tỷ đồng, tăng 369 lần so với năm 2002. Xuất khẩu tăng từ 6,1 triệu USD năm 2002 lên 285 triệu USD năm 2020, tăng gấp 47,6 lần.

 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... được quan tâm thực hiện. Từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói nghèo trên 25% năm 2002, đến năm 2005 toàn tỉnh không còn hộ đói và đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,29%. Giáo dục, y tế có nhiều thành tựu mới. Quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, dân tộc được quan tâm thực hiện tốt. Chỉ số phát triển con người (chỉ số HDI) tăng dần qua các năm, từ 0,6 năm 2016 lên 0,64 năm 2020, thuộc mức trung bình của cả nước.

 

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm. Tính đến nay, diện tích đã dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp toàn tỉnh là 394 ha với 675 hộ gia đình và 02 cộng đồng dân cư tham gia; đã xây dựng được 07 cánh đồng lớn với 04 loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất.

 

Tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc; thành phố Kon Tum ngày càng khang trang; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chí đô thị loại IV; khu hành chính huyện Ia H'Drai được đầu tư, hình thành; hạ tầng trung tâm các huyện, xã, khu dân cư được mở rộng, nâng cấp, ngày càng đồng bộ.

 

Công tác định canh, định cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và vấn đề dân di cư tự do được chú trọng giải quyết. Trong giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 03 dự án dân di cư tự do, đã bố trí sắp xếp ổn định cho 810 hộ/2.590 khẩu. Ngoài ra, thông qua các Đề án, chính sách của trung ương, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ định canh, định cư về nơi ở mới cho 363hộ/1.679 khẩu người đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đến nay đạt được kết quả tích cực cả về chất và lượng; mạng lưới giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Hạ tầng cho phát triển kinh doanh thương mại có sự phát triển rộng khắp; kết cấu hạ tầng thương mại tuy có sự cải thiện đáng kể...

 

Với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng, tỉnh Kon Tum sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên và cả nước nói chung trong thời gian tới.

 

Dương Nương