Thứ 3, Ngày 17/09/2024 -

Hiệu quả từ các phong trào thi đua do tỉnh tổ chức, phát động
Ngày đăng: 10/06/2022  10:10
Mặc định Cỡ chữ
Trong những năm qua, các đơn vị, địa phương, các thành phần kinh tế và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã năng động, sáng tạo, nỗ lực ra sức thi đua hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh phát động với quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị hằng năm.

 

Ảnh minh họa

 

1. Trong phát triển kinh tế - xã hội, tiêu biểu có các Phong trào: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của tổ chức công đoàn phát động; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Khối Doanh nghiệp; “100 ngày đêm về đích” của Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum; “Kỷ cương - liêm chính - hành động - sáng tạo - bứt phá - hiệu quả - hoàn thành xuất sắc công tác thuế” của Ngành Thuế ...

 

Qua phong trào thi đua, xuất hiện nhiều mô hình mới, điển hình mới như: Chuỗi liên kết sản xuất trái cây VietGAP của Hợp tác xã Thần Nông (TP. Kon Tum); chuỗi liên kết sản xuất cà phê sạch của Hợp tác xã kiểu mới sản xuất Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hải Tình (huyện Đăk Hà); hộ gia đình ông Bùi Văn Quyển tại thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ 30 ha cây ăn quả, cây công nghiệp, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương...

 

2. Trong giáo dục và đào tạo, thông qua các Phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”… gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua các phong trào thi đua của Ngành, nhiều tấm gương trong dạy và học trên địa bàn tỉnh được ghi nhận, tôn vinh. Tính đến Quý I/2022, số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh là 185 đơn vị, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động được đào tạo đến năm 2020 là 52% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đề ra).

 

3. Tiếp tục thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu” gắn việc thực hiện Phong trào “Xiết chặt kỷ cương, tăng cường y đức, nâng cao nghiệp vụ” và rèn luyện “12 điều y đức” trong quy tắc ứng xử của ngành, trong những năm qua phong trào thi đua của Ngành Y tế Kon Tum diễn ra sôi nổi, quyết liệt, đa dạng nội dung, hình thức, đã gặt hái được nhiều thành công trong thực hiện nhiệm vụ được giao, với định  hướng "Thi đua là yêu nước và Thi đua để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn".

 

Những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua trong ngành, cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của tỉnh đã mang lại diện mạo mới cho Ngành Y tế. Mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn; Bệnh viện Đa khoa tỉnh được công nhận là bệnh viện hạng II và hiện phấn đấu đạt các tiêu chí cơ bản của bệnh viện hạng I; hạ tầng cơ sở và trang thiết bị khám chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp và mở rộng; có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ được nâng lên. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả tích cực, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,424% năm 2015 xuống còn 1,077% vào cuối năm 2021. Y tế dự phòng được đẩy mạnh, các loại dịch bệnh được phát hiện và khống chế kịp thời, không để xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

 

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, tỉnh Kon Tum đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, công tác phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cấp, các ngành, các lực lượng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời và linh hoạt trong triển khai công tác phòng, chống dịch, kiểm soát, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong cộng đồng.

 

4. Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, trong những năm qua, lĩnh vực Văn hóa - Thể thao, Thông tin - Truyền thông có nhiều chuyển biến rõ nét. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa, phát triển sâu rộng, đi vào đời sống từng hộ gia đình, khu dân cư, từng cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và trở thành phong trào thi đua của toàn dân; trong những năm gần đây, phong trào đã làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

Việc củng cố, xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành phố Kon Tum với các huyện và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, giải trí lành mạnh của Nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành được thực hiện rộng rãi và phát huy hiệu quả; hoạt động phát thanh truyền hình ngày càng hoàn thiện, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp nhận thông tin và giải trí của Nhân dân.

 

Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, tiêu biểu như: Mô hình “Đoạn đường Cựu chiến binh tự quản” của Chi hội Cựu chiến binh phường Quyết Thắng, phường Duy Tân (TP. Kon Tum); mô hình tổ chức tang lễ “Ba không” (không để quá 36 giờ; không rải tiền, vàng mã; không tổ chức ăn uống linh đình) của Hội Cựu Chiến binh thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà)...

 

5. Trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với Phong trào “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” đã khơi dậy phong trào vượt khó, năng động sáng tạo của đoàn viên, người lao động; thông qua phong trào, hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống được chú trọng và nhân rộng, trong đó có một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Công tác bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được quan tâm; hoạt động sáng kiến và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có bước phát triển.

 

Giai đoạn 2015 - 2022, tỉnh Kon Tum đã thành lập và đưa vào hoạt động Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Kon Plông; xúc tiến hình thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP. Kon Tum và huyện Đăk Hà; hình thành 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nhận 02 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà; khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại xã biên giới Mo Rai (huyện Sa Thầy); đăng ký và được cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đối với sản phẩm Sâm Ngọc Linh củ; tiến hành đăng ký thương hiệu, mã vạch cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cà phê Đăk Hà là một trong 8 vùng sản xuất cà phê ngon nhất Việt Nam; hỗ trợ, nghiên cứu, sản xuất thành công 2 sản phẩm “Nước giải khát sâm dây” đóng lon và “cao sâm dây” từ nguồn nguyên liệu của địa phương; sản xuất thành công cà phê chất lượng cao bằng công nghệ lên men tại huyện Đăk Hà...

 

6. Về công tác an sinh xã hội: Các Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, "Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tư vấn, giới thiệu việc làm", Chương trình “Áo ấm mùa đông”, “Nâng bước đến trường”, “Hiến máu nhân đạo”… và nhiều phong trào thi đua khác trong thực hiện các Chương trình MTQG và của tỉnh về giải quyết việc làm, giảm nghèo... đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để những người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

 

Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều cán bộ, công chức, viên chức, nông dân, trí thức, người sản xuất kinh doanh, các giới tôn giáo, dân tộc, các lực lượng vũ trang… có những việc tốt, việc thiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Việc nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng có Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Kon Tum; Agribank Kon Tum đã dành trên 23 tỷ đồng từ các nguồn tiết kiệm giảm chi phí tại đơn vị để xây mới 01 trường học, 01 trạm y tế xã, 164 căn nhà tình nghĩa cho người nghèo, 14 căn nhà mái ấm công đoàn, tặng 100 chiếc xe đạp khuyến học, hàng nghìn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó; BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng 316 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, 32 căn nhà đại đoàn kết, 20 căn nhà Nghĩa tình Trường Sơn, 17 căn nhà đồng đội, 15 căn nhà “Mái ấm tình thương”, 13 công trình nước sinh hoạt, tặng 32 bộ máy vi tính, 35 xe đạp cho học sinh và thăm hỏi, tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng số tiền trị giá trên 12 tỷ đồng...

 

7. Trong những năm qua, các phong trào thi đua trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đưa lại hiệu quả thiết thực; nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an ninh biên giới được bảo đảm, chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững...

 

Các LLVT tỉnh đã tổ chức, triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, tiêu biểu: Phong trào "Vì an ninh Tổ quốc", “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” của lực lượng Công an đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia; hàng ngàn mô hình trong Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được hình thành và hoạt động hiệu quả ở khu dân cư với những tên gọi khác nhau như “Tổ tự quản an ninh”, “Tổ nòng cốt tuyên truyền, giáo dục pháp luật”, mô hình “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu”, “Tiếng kẻng làng tôi”, “Khu dân cư thực hiện sổ theo dõi an ninh trật tự”… đã góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn tỉnh.

 

Trong Phong trào “Thi đua quyết thắng”, Bộ đội biên phòng Kon Tum đã triển khai tích cực, hiệu quả nhiều phong trào thi đua, nổi bật là Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới” gắn với Phong trào “8 không 5 có” thu hút 245 thôn (làng), 716 lượt hộ gia đình, 572 lượt cá nhân thuộc 13 xã biên giới tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc, hình thành 560 tổ/3.750 lượt hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia các tổ tự quản an ninh trật tự thôn (làng); qua đó, phát huy hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới trên khu vực biên giới, góp phần không ngừng tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với Nhân dân, xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân” vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

 

BCH Quân sự tỉnh đã chỉ đạo và thực hiện tốt Phong trào “Thi đua Quyết thắng” gắn với Phong trào “LLVT tỉnh làm theo lời Bác - thi đua giành 3 nhất”, “Đoàn kết, lập công, hiệp đồng quyết thắng” và tổ chức hiệu quả mô hình “Câu lạc bộ truyền nghề” cho các chiến sĩ trong đơn vị có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương đánh giá cao.

 

Qua các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, nhiều điển hình tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới, được chính quyền các cấp biểu dương khen thưởng, tiêu biểu như: Mô hình “Tiếng kẻng An ninh” của Công an huyện Đăk Hà; mô hình “Thôn đạo bình yên” của Bộ đội Biên phòng; mô hình “Phụ nữ chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc gắn với bảo vệ tài nguyên, khoáng sản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội Phụ nữ tỉnh...

 

Có thể thấy, thông qua các phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của Nhân dân và toàn xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến và đạt được nhiều thành quả. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 

Thái Ninh