Thứ sáu, Ngày 16/05/2025 -

Ký ức giải phóng Bắc Tây Nguyên, góp phần vào chiến thắng 30/4 lịch sử
Ngày đăng: 30/04/2020  14:26
Mặc định Cỡ chữ
Nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới giáp Lào, Campuchia và cửa ngõ nối với các tỉnh duyên hải miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi), tỉnh Kon Tum giữ vị trí chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972 và thắng lợi các trận đánh lịch sử tại địa bàn đã góp phần giải phóng Tây Nguyên, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào 30/4/1975.

 

Cựu chiến binh A Lơng từng tham gia đánh đồn Đăk Sút, Đăk Pek.

 

Ông A Lơng- nguyên Bí thư Huyện ủy Đăk Glei đã nghỉ hưu, hiện ở thôn 14A, xã Đăk Pek, huyện ĐăkGlei, là một trong số cựu chiến binh có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại địa bàn H30, H40 của tỉnh Kon Tum.

 

Trưởng thành từ công tác thiếu niên, thanh niên cơ sở, năm 1965, ông có mặt trong lực lượng dân quân,du kích xã Đăk Nú (nay thuộc xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) tham gia đánh đồn Đăk Sút. Công việc chính của ông và đồng đội là cõng đạn cối vào khu vực gần đồn địch để bộ đội ta tấn công mục tiêu theo kế hoạch đã định. Lần đầu tiên, nhờ có súng B40 và pháo cối 81, quân ta đã nhanh chóng tấn công, tiêu diệt địch.       

 

Chiến thắng Đăk Pek vào ngày 16/5/1974 của quân và dân ta ở vùng cực Bắc Tây Nguyên là kết quả trận đánh lớn của quân chủ lực Mặt trận Tây Nguyên (B3), Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) phối hợp với lực lượng vũ trang, dân quân, du kích H40. Trong trận quyết tử này ở Bắc Tây Nguyên, lần đầu tiên, khả năng phát huy hỏa lực của các loại pháo 122 ly, 155 ly và nhất là pháo lớn Đ74 đã giúp bộ đội ta đánh nhanh, thắng gọn. Là đội viên Đội Vũ trang truyên truyền H40, ngày ấy, ông A Lơng đã cùng anh em bám địa bàn, sát dân, nắm chắc tình hình địch; vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy để củng cố lực lượng quần chúng. Bên cạnh đó, các đội viên Đội Vũ trang tuyên truyền cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm “hoa tiêu”- dẫn đường cho bộ đội tiến công, đánh vào cứ điểm đồn Đăk Pek của địch.

 

Tượng đài chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh

 

Kỷ niệm 48 năm chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2020), mặc dù nghiêm túc chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19, một số cựu chiến binh ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) vẫn cùng nhau về thăm Di tích lịch sử cấp quốc gia đáng tự hào và viếng nghĩa trang liệt sĩ, tưởng nhớ các đồng đội đã anh dũng hy sinh cho ngày toàn thắng.

 

Ông Lại Hợp Phường, 78 tuổi, ở tổ dân phố 3, thị trấn Đăk Tô nguyên là bộ đội địa phương H80 của tỉnh Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ, kể: Tháng 1/1972, đơn vị  nhận nhiệm vụ vừa tiêu diệt các chốt nhỏ của địch ở chiến trường Đăk Tô-Tân Cảnh vừa dẫn đường, đón bộ đội chủ lực của ta vào chuẩn bị đảm nhiệm một hướng tấn công để  giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh. Tháng 2/1972, đơn vị triển khai cho đồng bào hậu cứ (nay thuộc địa bàn xã Bờ Y, Đăk Sú, huyện Ngọc Hồi) chuẩn bị gạo thóc, bố trí lực lượng dân quân, du kích, sẵn sàng vận chuyển vũ khí đạn dược phục vụ đánh lớn.

 

Chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh bắt đầu từ cuối tháng 3/1972. Liên tiếp từ các ngày 21 đến 23 tháng 4 năm 1972, pháo binh ta tập trung nã phá căn cứ Tân Cảnh. Cao điểm chiến dịch vào đêm ngày 23/4/1972, xe tăng của Đại đội 7 thiết giáp xuất kích, tấn công cứ điểm của theo đường công binh mới mở, kết hợp với tấn công bằng xe tăng theo tuyến đường 14 ở hướng Đông. 5giờ 10 phút ngày 24/4/1972, pháo binh ta giáng đòn sấm sét kết hợp với cùng với xe tăng cấp tập tấn công đánh chiếm các mục tiêu trong căn cứ Tân Cảnh. 11 h ngày 24/4/1972, Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ Tân Cảnh. Toàn bộ quân địch trong căn cứ bị tiêu diệt và bắt làm tù binh. Quân ta bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, 20 pháo 105, 155 ly, gần 100 xe quân sự, hàng vạn quả pháo và toàn bộ phương tiện chiến tranh của địch, bắt 429 tù binh ngụy.

 

Cùng tham gia chiến dịch, góp phần vào chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh cũng đã đưa anh bộ đội Lại Hợp Phường và cô thanh niên xung phong Trần Thị Hạnh ngày ấy đến với nhau, nên duyên vợ chồng và vun đắp hạnh phúc gia đình cho đến hôm nay.   

 

45 năm đã qua kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam,thống nhất đất nước. Ký ức giải phóng ở vùng cực Bắc Tây Nguyên vẫn sống mãi trong lòng các cựu chiến binh, là niềm tự hào, là lời nhắc nhở, góp phần bồi đắp niềm tin và tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay trên con đường đi tới.

 

                                                                                              Bài, ảnh: Nghĩa Hà