 |
Bác Hồ nói chuyện với chị em phụ nữ dân tộc ít người ngày 25/11/1965 - Ảnh nguồn website Phụ nữ Việt Nam.
|
Tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng tiến bộ của nhân loại, Bác khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ là quyền tự nhiên của con người; Sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn bó mật thiết với giải phóng phụ nữ. Theo Bác, chỉ khi giành được quyền độc lập dân tộc thì mới thực hiện được quyền bình đẳng của phụ nữ; “Đàn bà, con gái cũng nằm trong nhân dân, nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do”. Sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có ý nghĩa thật sự khi giải phóng được phụ nữ, bởi vì: Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại, nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”; “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa".
Từ tư tưởng đó, trong các văn kiện tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930, Bác đã nêu ra một trong những chủ trương lớn của cách mạng Việt Nam là “thực hiện nam nữ bình quyền”. Mục tiêu này đã được Hồ Chí Minh đưa vào Chương trình của Mặt trận Việt Minh năm 1941 và sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Bác đã nhiều lần tuyên bố với thế giới và quốc dân rằng: Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”.
Theo Bác Hồ, giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền: “Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó”. Bởi vì “Trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”. Xã hội ta ảnh hưởng rất lớn tư tưởng nho giáo phong kiến, trọng nam khinh nữ là một thói quen ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Để thật sự giải phóng phụ nữ, cần phải có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong xã hội về tư tưởng thành kiến với phụ nữ. Bác nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ. Bác cũng chỉ rõ: “Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phần nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà”, “phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”. Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”.
Theo quan điểm của Bác, vấn đề giải phóng phụ nữ là một vấn đề xã hội to lớn, không phải chỉ là việc riêng của phụ nữ, mà là công việc quan trọng của Đảng, Nhà nước và đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, của tất cả mọi người. Việc giải phóng phụ nữ là phải tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội; Chỉ có đưa phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa… thì mới bảo đảm quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Muốn vậy phải tôn trọng phụ nữ, phải tính đến đặc thù của lao động nữ, phải thực hiện phân công sắp xếp lao động toàn xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội, tổ chức đời sống mới để phụ nữ có thời gian học tập và tham gia vào các hoạt động xã hội. Đảng và Chính phủ cần có những chủ trương chính sách phù hợp để phụ nữ tham gia vào các công việc của xã hội theo khả năng của họ. Song thực hiện bình đẳng giới, cũng không có nghĩa là “cào bằng” trong mọi việc, mà phải là, ngoài những cơ chế chính sách chung đối với người lao động, các cơ quan chức năng cần chú ý “quán triệt quan điểm giới” khi xây dựng chính sách, pháp luật đối với người lao động, nhằm bảo vệ sức khoẻ của phụ nữ, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em khỏi những lao động độc hại và phi đạo đức, đồng thời đảm bảo phân phối công bằng cho cả hai giới, khi cùng làm một công việc và cống hiến như nhau.
Bác Hồ cũng khẳng định, sự nghiệp giải phóng phụ nữ phụ thuộc vào chính bản thân người phụ nữ. Người đánh giá cao vai trò cuả phụ nữ khi nhìn nhận họ là một lực lượng lao động đông đảo của xã hội, làm việc không thua kém nam giới. Phụ nữ có thể đảm nhận và hoàn thành tốt những công việc lớn của cách mạng, của nhân dân. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của phụ nữ, Người yêu cầu: “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng phụ nữ mà tự mình phải tự cường đấu tranh”. “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường tự lập, phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. “Phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu. Người phụ nữ phải tự khẳng định mình thông qua năng lực trình độ, thông qua sự hiểu biết và sự đóng góp của chính họ vào gia đình và xã hội. Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao vị trí của người phụ nữ trong xã hội và thực hiện xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ.
Trước khi đi xa, Bác Hồ còn dặn phải tiếp tục thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Một mặt, Người yêu cầu Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo. Mặt khác, Người cũng căn dặn bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Theo Người, thực hiện được 2 điều này là "một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".
Mạnh Hồng