Thứ hai, Ngày 06/05/2024 -

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Ngày đăng: 27/11/2018  09:41
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 27/11, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng BCĐ TW Tổng kết Nghị quyết TW7 khóa X Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì Hội nghị. Dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
 
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
 
Được đánh giá là một Nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng; sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết 26-NQ/TW  ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã được cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt được nhiều kết quả to lớn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
 
Cụ thể, nền nông nghiệp có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng. Giai đoạn 2008- 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông - lâm - thủy sản đạt 2,66%/năm.
 
Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế; cơ cấu sản xuất được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng lên (năm 2017 đạt 90,1 triệu đồng/ha). Một số nông sản đã khẳng định vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008.
 
Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực. Xây dựng NTM trở thành phong trào sâu rộng; hiện cả nước có 3.069 xã (34,4%) và 43 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng 3,49 lần (từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm, riêng các huyện nghèo giảm tới 4%/năm.
 
Hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn, hiệu quả cao. Hiện cả nước có trên 34.000 trang trại; gần 11.700 HTX nông nghiệp, gần 1.200 HTX phi nông nghiệp; trên 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
 
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN được thúc đẩy và đạt hiệu quả hơn; trình độ cơ giới hóa được nâng cao; hàng loạt chính sách về nông nghiệp, nông thôn được sửa đổi để phù hợp với cơ chế thị trường; ưu đãi về đất đai đã khuyến khích nông dân yên tâm hơn vào đầu tư cho sản xuất; trên 1,17 triệu tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đã được đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn 10 năm qua.
 
Các đại biểu tham gia Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 như: phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn của cả nước còn thiếu ổn định, không đồng đều; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng…
 
Đồng chí Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa X thông tin tại Hội nghị: Mục tiêu chung trong thời gian tới là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững; phát triển đa dạng kinh tế nông thôn; cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn… Phấn đấu đến năm 2030 tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản khoảng 3%/năm; tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; trên 90% xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng trên 9%/năm…
 
Tới dự và phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của cả hệ thống chính trị trong 10 năm qua. Thủ tướng khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã làm chuyển mình nền nông nghiệp; thay đổi lớn lao diện mạo nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận của người dân được nâng lên.
 
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tích cực thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành những chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực triển khai, thực hiện, biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành những mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vào thực tiễn, góp phần ổn định, phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, trước những thách thức từ nội tại của ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu, cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, tuyên truyền vận động nhân dân và nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
 
Ngoài ra, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách; làm tốt công tác quy hoạch; huy động các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao năng lực, vai trò làm chủ của người dân nông thôn, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…
 
Thủ tướng lưu ý về nông nghiệp, cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, phát triển theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững.
 
Về nông thôn, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn; xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
 
Về nông dân, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở nông thôn…
 
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan tiếp thu và nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị có Nghị quyết hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X; nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển “nông nghiệp toàn diện” và “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”; hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp../

 Tin, ảnh: Dương Nương