Thứ hai, Ngày 12/05/2025 -

Nghị quyết 04 Tỉnh ủy - 15 năm nhìn lại
Ngày đăng: 03/01/2012  04:03
Mặc định Cỡ chữ
 

Nghị quyết số 04-NQ/TU (khóa XIII) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra đời là sự kế thừa và phát triển Chỉ thị số 10-CT/TU và Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 25/5/1996 của Tỉnh ủy- khóa XII về xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn, nhằm phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành tập trung hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ các mặt đời sống xã hội của các xã còn nhiều khó khăn.

Làng mới ở Măng Ri (Tu Mơ Rông) - Ảnh: V.Phương.
Nhìn lại kết quả hơn mười lăm năm triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có thể khẳng định đây là một chủ trương kịp thời và sáng suốt của Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết ra đời không chỉ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ từ tỉnh đến cơ sở mà nó còn chỉ rõ yêu cầu bức thiết là phải tăng cường thường xuyên mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa cấp trên với cấp dưới, khắc phục căn bản lối làm việc xa rời quần chúng nhân dân đối với cán bộ, công chức của hệ thống chính trị. Thành quả rõ nét nhất của việc triển khai Nghị quyết 04 Tỉnh ủy trước hết là làm cho nhận thức về bài học “lấy dân làm gốc” của cán bộ, công chức trong toàn hệ thống chính trị một lần nữa được quán triệt sâu sắc về quan điểm, nội dung và năng lực vận động quần chúng trước tình hình thực tiễn của thời kỳ mới phải được nâng lên; phương pháp, tác phong làm việc phải không ngừng cải thiện và đổi mới. Đại bộ phận cán bộ cơ sở (xã được đỡ đầu) tích cực học hỏi tiếp cận cái mới, phát huy được tính năng động, sáng tạo, khả năng tư duy độc lập; khắc phục dần tính thụ động, chủ nghĩa kinh nghiệm và tư duy trì trệ bảo thủ. Cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan, ngành, được phân công, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng được kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm, các đề án phát triển kinh tế- xã hội của từng lĩnh vực trong từng giai đoạn, mở ra sự phát triển rõ nét mang tính đột phá có hiệu quả góp phần tích cực cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nên niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng.
 
Với những kết quả đã đạt được tiếp tục khẳng định Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là chìa khoá tạo nên sức mạnh của đồng thuận trong quần chúng nhân dân là yếu tố bảo đảm cho sự ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng của tỉnh ta trong những năm tiếp theo. Đứng trước yêu cầu mang tính bức bách của thực tiễn,vấn đề đặt ra là làm sao để Nghị quyết tiếp tục phát huy hiệu quả rõ nét hơn, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Để làm được điều đó thì việc tổng kết đánh giá sâu sắc mười lăm năm thực hiện cần phải được tiến hành từ cơ sở một cách khoa học, kỹ lưỡng và đồng bộ. Theo chúng tôi bên cạnh những thành tự cơ bản mà Nghị quyết đã mang lại, trong quá trình triển khai thực hiện còn có những hạn chế cần phải được nhận diện và thẳng thắn đánh giá đúng sự thật, nhìn rõ sự thật để tiếp tục đề ra các giải pháp tối ưu phát huy đầy đủ sức mạnh nội tại của cơ sở cũng như đề cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan ban ngành được phân công giúp xã. Trước tiên về nhận thức, mặc dù Nghị quyết đã được triển khai hơn 15 năm nhưng hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và nhân dân vẫn không nắm bắt một cách đầy đủ tinh thần nội dung Nghị quyết của Tỉnh uỷ. Trong đó có cả cán bộ cơ sở và cán bộ từ các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, của huyện. Từ nhận thức không đầy đủ kéo theo sự lúng túng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, công tác phối hợp giữa các đơn vị giúp xã của tỉnh và huyện còn yếu kém, bất cập. Một số cán bộ khi được giao nhiệm vụ về cơ sở thủ trưởng các cơ quan không giao nhiệm vụ cụ thể, không xác định được nên làm việc gì, thiếu kiểm tra kết quả và chất lượng công việc dẫn đến tình trạng cán bộ không phát huy hết tinh thần trách nhiệm. Phần đông cán bộ chủ yếu là xuống nắm những thông tin về số liệu; có cán bộ thì xuống làm thay cơ sở trong việc soạn thảo các loại văn bản hành chính thông thường; có cán bộ xuống cơ sở "tranh thủ" triển khai công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn do ngành của mình đảm nhiệm, chưa kể những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm khi xuống cơ sở còn gây phiền hà cho cơ sở. Đối với xã được nhận giúp đỡ xây dựng, vẫn còn trông chờ, ỷ lại hoặc thụ động; một số cán bộ cơ sở chưa chủ động phát huy nội lực, tư tưởng ỷ lại trông chờ sự đầu tư hỗ trợ cấp trên của một bộ phận nhân dân còn khá nặng, việc nhận xét, đánh giá các ngành giúp xã còn phiến diện như: Nhìn vào những ủng hộ đơn thuần về vật chất trong những ngày lễ, tết hoặc ủng hộ về phương tiện trang thiết bị văn phòng máy vi tính, tủ, bàn làm việc, sách báo. Bên cạnh đó, việc đề xuất kiến nghị những vấn đề mang tính cấp bách về đời sống, những khó khăn của xã nhận giúp đỡ, nằm ngoài tầm giải quyết của tổ công tác và đơn vị kết nghĩa, song công tác kiến nghị, đề xuất để được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc nâng lên thành chủ trương, chính sách cụ thể mang tính đột phá làm chuyển biến tình hình ở cơ sở thì chưa thực hiện đầy đủ.
 
Những tồn tại khuyết điểm trên chính là những trở ngại làm cho việc thực hiện Nghị quyết chưa đạt được mục tiêu vững chắc. Để tiếp tục đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, thiết nghĩ cùng với việc sơ kết đánh giá một cách toàn diện thực hiện Chương trình số: 37-CTr/TU, ngày 17/9/2007 của Tỉnh uỷ về xây dựng thôn - làng "No đủ - vững mạnh - an toàn”, thời gian tới cần quán triệt sâu rộng tinh thần nội dung của Nghị quyết Nghị quyết số 04- NQ/TU ngày 14/6/2007 của Tỉnh uỷ KonTum khoá XIII trong hệ thống chính trị cũng như trong quần chúng nhân dân.Trước hết cần tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, mục đích, yêu cầu của Nghị quyết, mục tiêu và các biện pháp Nghị quyết đã chỉ ra. Đồng thời, phát huy nhân rộng kinh nghiệm thực tiễn các mô hình  ở những nơi điển hình trên cơ sở đó có sự điều chỉnh kịp thời cả về nội dung, biện pháp và việc tổ chức thực hiện.
 
Tính đúng đắn của Nghị quyết đã được thực tiễn chứng minh với những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực, thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa -xã hội; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên tinh thần đó chắc chắn Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ tiếp tục đi vào cuộc sống và sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ hơn nữa nhằm sớm đưa tỉnh ta thoát nghèo vào năm 2015 như tinh thần cơ bản Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
 
Cẩm Lệ