Trong những ngày này, bà con nông dân ở nhiều nới trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch rộ lúa vụ đông-xuân. Sau vụ mùa thất bát do ảnh hưởng cơn bão số 9, vụ đông-xuân năm nay khắp nơi đều được mùa, bà con nông dân ai nấy cũng đều phấn khởi…
Tiếng máy tuốt lúa, máy gặt nổ cành cạch. Tiếng bà con nông dân gọi nhau í ới, tiếng cười nói râm ran trên cánh đồng xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum. Đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại cùng đám thợ gặt, anh nông dân Nguyễn Tấn Hùng ngẩng lên cười xởi lởi: “Ít thấy vụ nào cây lúa được mùa lúa như vụ đông-xuân năm nay. Mặc dù năm nay nắng hạn nhưng nhờ Hợp Tác xã kinh doanh dịch vụ tổng hợp xã Đoàn Kết phối hợp với Công ty Cổ phần khai thác và xây dựng thủy lợi Kon Tum chủ động tổ chức tưới nước sớm nên cây lúa không bị thiếu nước. Năng suất lúa hương thơm 1 của gia đình tôi đang gặt đây đạt khoảng 8 tấn/ha và lúa 13/2 ở chân ruộng khác đạt 9 tấn/ha”.
Cũng ở trên cánh đồng này, còn nhớ vụ mùa vừa qua nhiều nông dân méo mặt vì ruộng bị ngâm nước lũ bão số 9 khiến lúa lép, bông bơ hươ. Gặp lại chúng tôi, ông Nguyễn Phước Đức hồ hởi: “Mùa màng năm nay được mùa lắm! Năng suất lúa hương thơm 1 gia đình tôi đây đạt 10 tấn tươi/ha”. Ông Đức và nhiều nông dân ở đây còn khoe, lúa hương thơm 1 có cơm dẻo và thơm ngon nên giá cao hơn nhiều nhiều loại khác. Tuy nhiên ngược lại, năng suất lúa hương thơm thường thấp hơp lúa 13/2, nhị ưu… Những năm trước đây, vụ nào được mùa, lúa hương thơm 1 đạt 7-8 tấn/ha. Riêng vụ đông-xuân này, nhiều người có lúa hương thơm 1 đạt đến 9-10 tấn/ha.
Được mùa, phần lớn bà con nông dân thuê máy gặt, ít hộ còng lưng thuê người gặt. Ông Sáu Lập, đội 8, xã Đoàn Kết nói: “Ruộng khô ráo, thuê máy gặt lợi hơn. Máy gặt 1 sào, chủ máy chỉ lấy 80 nghìn đồng. Một ngày, một cái máy có thể gặt hơn 2 ha. Nếu gia đình ít nhân lực, thiếu người gặt, việc thuê máy gặt sẽ giảm chi phí hơn thuê người gặt”.
Vui cùng niềm vui của người nông dân, ông Nguyễn Đình Tứ- Chủ tịch Mặt Trận TQVN xã Đoàn Kết-người phát ngôn của xã thừa nhận: năm nay cây lúa được mùa do công tác chống hạn điều tiết nước kịp thời, lúa khi làm đòng gặp mưa và một phần là do phù sa màu mỡ từ cơn bão số 9 bồi đắp. Năng suất lúa bình quân của xã Đoàn Kết đạt khoảng 7 tấn/ha. Có nhiều hộ gia đình như ông Lê Tự Bảo Toàn, Nguyễn Hoàng Nhung (thôn 5), Lê Tấn Hùng (thôn 7)… làm lúa 13/2 đạt từ 9-11 tấn/ha. Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết Lê Tấn Bửu lòng như mở cờ: “Năng suất lúa đạt được đúng như lãnh đạo xã Đoàn Kết đã đánh giá. Nếu như vụ mùa vừa qua do thiên tai nhiều hộ mất trắng, thì vụ đông-xuân này, bà con lấy lại những gì ông trời đã cướp đi. Trong nhiều năm trở lại đây, vụ này là vụ Đoàn Kết có năng suất lúa cao nhất”. Ông Nguyễn Văn Hòa-Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi cũng nhận định: năng suất lúa năm nay tăng hơn 1 tấn/ha so với vụ đông-xuân năm trước. Nhiều hộ nông dân ở phường làm lúa giỏi như ông Đặng Quốc Lâm, Phan Thanh Niệm, Đỗ Thanh Kiên… làm lúa 13/2 năng suất đạt 10-11 tấn/ha. Trên các cánh đồng lúa ở xã Đăk La (Đăk Hà), Tân Lập, Đăk Ruồng (Đăk Tờ Re), Sa Nhơn, thị trấn Sa Thầy (Sa Thầy)…, năng suất lúa cũng đều cao hơn các vụ trước.
Theo Sở NN&PTNT, vụ đông-xuân năm nay toàn tỉnh gieo sạ 6.453,8 ha lúa, đạt 117,3 % so với kế hoạch và bằng 93.2% so với vụ đông-xuân năm trước (nguyên nhân do bão lũ làm mất đất sản xuất). Mặc dù nhiều công trình thủy lợi bị hư hại nặng do bão lũ, nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, nỗ lực của tỉnh, phần lớn các công trình thủy lợi bị thiệt hại đã kịp thời được khắc phục, bảo đảm nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Tuy chưa có con số đánh giá thống kê cụ thể, nhưng theo thông tin ban đầu từ các huyện, thành phố thì vụ đông-xuân năm nay được mùa, năng suất lúa tăng hơn so với các vụ trước.
Cây lúa được mùa đã bù đắp một phần lương thực bị mất đi do một số diện tích ruộng bị mất trong cơn bão số 9 và giúp cho nhiều hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập từ bán lúa, giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Bài và ảnh : Văn Nhiên