
Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Đăk Glei 1/11/2010 - Ảnh Đức Nhuận.
Đến bây giờ nhiều bà con thuộc các dân tộc huyện ĐăkGlei (lúc đó là H30 + H40- Tỉnh Kon tum) được chứng kiến trận đánh vào lúc 8 giờ ngày 16 tháng 5 năm 1974 của quân chủ lực Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thuộc Quân khu V; trực tiếp là trung đoàn 66 (sư đoàn 10) phối hợp với lực lượng vũ trang, dân quân của hai huyện và Trung đoàn 3 (sư đoàn 324) từ vùng giải phóng của chiến trường Trị-Thiên cơ động vào đảm nhận nhiệm vụ tiến công giải phóng cứ điểm Đăk Pék nằm ở cực bắc chiến trường Tây nguyên.
Cứ điểm nầy địch đã gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất, một mặt chúng vừa phòng thủ, ra sức càn quét nống lấn vùng giải phóng của ta. Mặt khác, tập trung dồn dân lập ấp chiến lược. Bà con các dân tộc của hai huyện H30, H40 đã phải chiến đấu đầy gian khổ hy sinh. Trong số đó phải kể đến Đồng chí Nguyễn Phụng (tức Phi) Bí thư huyện ủy; Đồng chí nguyễn Như Đông Phó Bí thư huyện ủy (H30); đồng chí A Hồng, A Phương, A Sa, A Sáu và nhiều đồng chí khác phải nằm lại chiến trường. Một địa danh thấm đậm mồ hôi, nước mắt và máu của quân và dân hai huyện H30, H40 anh hùng gắn liền với tên tuổi đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.
Vẫn còn nhớ như in một chiến thắng lẫy lừng, một trận đánh xuất sắc đạt tốc độ và hiệu xuất chiến đấu cao, thể hiện quyết tâm và trình độ phối hợp giữa đơn vị binh chủng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa tiến công với nổi dậy đồng loạt của quần chúng nhân dân đưa trận đánh đến thắng lợi trọn vẹn cả về chính trị, quân sự. Âm mưu của địch lúc đó muốn chiếm giữ và kiểm soát cứ điểm án ngữ vùng cực bắc của Tây Nguyên, có đường quốc lộ 14- Đường trường sơn chiến lược nối từ Bắc vào Nam. Đồng thời nhằm phục vụ âm mưu "bình định nống lấn" toàn bộ ấp chiến lược thuộc căn cứ quân sự và chi khu quận lỵ Đăk Pék. Vì vậy, địch tiến hành tổ chức phòng ngự chốt điểm cuối cùng sau thất thủ mùa hè năm 1972 Đăk Tô-Tân Cảnh, hòng cắt viện trợ yết hầu từ khu tiếp giáp hậu phương Miền Bắc cho tiền tuyến Miền Nam mà nơi đây là vùng chiến lược trọng điểm. Nếu cắt được đường tiếp viện này là cô lập tiếp viện của Miền Bắc gây khó khăn cho lực lượng kháng chiến của ta; Vì thế, Mỹ- Ngụy điều động thêm một tiểu đoàn biệt động biên phòng , một đại đội bảo an tăng cường cố vấn quân sự và xây dựng hệ thống chính quyền Ngụy thuộc quận lỵ Đăk Pék, hình thành một cụm cứ điểm được bố trí liên hoàn với nhau gồm 18 chốt điểm, Trong đó có 10 cứ điểm nhỏ vòng trong và 8 cứ điểm vòng ngoài, từng chốt đều có hàng rào dây thép gai nhiều lớp với công sự đường ngầm liên lạc rất kiên cố, có thể chi viện cho nhau khi một trong các cứ điểm bất kỳ nào đó bị ta tấn công. Hằng ngày các xã như Xoáp, Đăk Plà những địa danh thuộc vùng giải phóng, luôn luôn bị từng bộ phận của địch thọc sâu lùng sục bắt lính, tìm diệt cơ sở cách mạng, chống phá vùng căn cứ của ta. Quận Đăk Pék có10 ấp bị địch kèm kẹp khá chặt chẽ, làm lá chắn chống đỡ sự tấn công của quân và dân ta. Đối với các vùng phía sau (vùng căn cứ cách mạng) 24/24 giờ máy bay B52, trực thăng L19, HU1A của địch liên tiếp trinh sát phát hiện dấu vết bộ đội để rải thảm bom, róc két và chất độc hóa học gây cho ta biết bao hy sinh và mất mát về sức người, sức của.
Đầu tháng 5 năm 1974, nhằm hoàn chỉnh vùng giải phóng và thông hành lang chiến lược Đông Trường Sơn, kế hoạch tiêu diệt cụm cứ điểm Đăk Pék,sân bay dã chiến Đăk Pék nằm sát biên giới Việt - Lào đã được Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định, cuộc chuẩn bị cho trận đánh diễn ra khẩn trương, sôi nổi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân và lực lượng vũ trang trong huyện phối kết hợp với bộ đội chủ lực mặt trận B3 suốt ngày đêm mở đường cho pháo binh vào chiếm lĩnh, các khẩu pháo 122 ly và 155 ly bắn thẳng còn có những khẩu pháo lớn như Đ74 được tháo rời khiêng, vác đưa lên những điểm cao đặt ngụy trang trên đồi 910 để bắn chi viện cho bộ binh ta mở cửa.
Đúng 8 giờ sáng ngày 16 tháng 5 năm 1974, lệnh tiến công căn cứ Đăk Pék phát ra từ Sở chỉ huy trận đánh. Ngay lập tức các khẩu pháo bắn thẳng 85 ly, 105 ly và Đ74 gầm lên nổ đạn phá vỡ những lô cốt vòng ngoài, từng mảng công sự địch bị phá banh nhờ bắn ở tầm gần, trực xạ nên bắn đâu trúng đó. Các trận địa pháo 122 ly và 155 ly phía Tây Bắc căn cứ cũng tới tấp trút đạn xuống sở chỉ huy. Đạn cối 160 của tiểu đoàn 32 cũng liên tiếp tạo thành những cột khối lớn ở trung tâm căn cứ. Sau 4 tiếng đồng hồ chiến đấu, toàn bộ quân địch ở căn cứ Đăk Pék và quận lỵ Đăk Pék bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh . Kết quả ta đã bắt sống 403 tên ta thu 110 súng các loại, phá hủy 14 đại bác và cối hạng nặng, bắn rơi 3 máy bay địch, xóa sổ hoàn toàn sở chỉ huy biệt kích, án ngữ trục đường 14 Đăk Pék. Trận tiêu diệt cụm cứ điểm Đăk Pék một lần nữa khẳng định truyền thống đấu tranh đánh giặc giữ làng của đồng bào nhân dân các dân tộc trong huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nhu một biểu tượng sáng ngời về nghệ thuật chiến tranh nhân dân.
Kỷ niệm 37 năm giải phóng Đăk Pék, 52 năm mở đường Trường sơn lịch sử, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Kon Tum tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng quyết tâm phát triển kinh tế,văn hóa xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện xóa đói giảm nghêo, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững an ninh biên giới, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh góp phần cùng với cả nước thực hiện mục tiêu:"Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh".
Cẩm Lệ