Thứ hai, Ngày 26/05/2025 -

Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8: Những nỗi đau cần được chia sẻ
Ngày đăng: 03/08/2012  01:51
Mặc định Cỡ chữ
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ và tay sai đã không ngừng gieo rắc đau thương, ngày càng nhúng sâu vào tội ác man rợ đối nhân dân Việt Nam - một dân tộc thiết tha yêu chuộng độc lập, tự do, hoà bình, hữu nghị. Cuộc chiến tranh phi nghĩa đó ngày càng vấp phải sự chống trả mãnh liệt của nhân dân Việt Nam và bị đông đảo nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới lên án.

 

Càng mở rộng chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ càng thất bại thảm hại, càng lồng lộn điên cuồng. Chúng đã không từ một loại vũ khí huỷ diệt nào từ bom đạn, đại bác, máy bay chiến lược B52… Để gở thế sa lầy và tuyệt vọng của chúng ở miền Nam Việt Nam, chúng đã ráo riết thực hiện chính sách “chiến tranh huỷ diệt” trên quy mô lớn, dùng sinh mạng của hơn 14 triệu dân của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ để thí nghiệm các loại vũ khí hoá học (2-4D, 2-4-5-T và một số hoá chất nguy hiểm khác), Mỹ-Nguỵ công khai sử dụng một cách trắng trợn và liên tục chất độc hoá học và hơi độc hoá học trên nhiều vùng rộng lớn ở miền Nam Việt Nam, chúng coi đó là phương tiện chiến tranh thuộc trang bị tiêu chuẩn của quân đội viễn chinh Mỹ. Chịu ảnh hưởng nặng nề và thường xuyên nhất là các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ, đồng bằng Nam bộ, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Gai Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Kon Tum, Quảng Trị… Kể từ chuyến bay đầu tiên của quân đội Mỹ phun rải thử nghiệm chất độc hoá học xuống miền Nam Việt Nam (1961), đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành khoảng 20 ngàn phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trên diện tích hơn 3,06 triệu ha, trung bình mỗi người dân miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ phải gánh chịu trên 5kg chất độc hoá học. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, hàng trăm ngàn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng, dị tật bẩm sinh… chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ.
 
Nạn nhân chất độc da cam.
 
Ngày 10/8/1961, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, Mỹ đã trải chất độc hóa học xuống vùng đất Tây Nguyên, dọc theo quốc lộ 14 phía Bắc thị xã Kon Tum, thuộc các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy. Kon Tum là địa điểm mở màn cho chiến dịch rải chất độc hóa học trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam của đế quốc Mỹ. Những năm sau đó, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tục phải hứng chịu những đợt “oanh tạc” bằng chất độc hoá học của đế quốc Mỹ, chúng liên tục thực hiện những lần rải có quy mô lớn trong các năm 1962, 1963, 1964, 1965, 1969, 1970 và năm 1971. Chất độc hoá học đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề. Tỉnh Kon Tum phải gánh chịu gần 350 nghìn lít chất độc hóa học, đã có hàng nghìn hecta rừng bị cháy trụi, hàng trăm người đã chết, hàng ngàn người mắc các bệnh nan y cùng con cháu họ bị dị dạng, dị tật đang ngày đêm sống trong trong đau khổ, nghèo đói và bệnh tật di chứng của chất độc da cam để lại.
 
Giải quyết hậu quả chất độc da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng chất độc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có các chế độ, chính sách quan tâm, hỗ trợ; kêu gọi hàng trăm  lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại Kon Tum còn khoảng 7.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học với cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, đang rất cần đến những tấm lòng hảo tâm nhân ái của xã hội. Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ, mọi người trong mỗi chúng ta hãy tích cực, tự giác chia sẽ với các nạn nhân, nhằm góp phần xoa dịu nổi đau, tạo niềm tin và nghị lực cho những mãnh đời bất hạnh. 

M.H