 |
Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở ở Trường Chính trị tỉnh - Ảnh: A Phúc. |
Thực tiễn đã chứng minh và kiểm nghiệm, một khi có đường lối chính trị đúng đắn thì cán bộ là khâu quyết định để tổ chức, triển khai thực hiện thành công sự lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, cùng với thời cơ, vận hội và thách thức lớn, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp trực tiếp quan hệ với dân đưa các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực đi vào cuộc sống của nhân dân là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính cách mạng lâu dài.
Thông thường người cán bộ giỏi là tổng thể toàn diện các yếu tố đó là: Trách nhiệm, ý chí, kinh nghiệm và trình độ, năng lực. Có thể ở mỗi một con người có yếu tố nào đó trội hơn hoặc tạm thời thay thế yếu tố khác yếu hơn, song không có những hiểu biết nhất định thì dễ dẫn đến làm đi làm lại, hiệu quả thấp và cuối cùng là bất lực trước những tình huống mới nảy sinh, phức tạp. Ngay ở cơ sở cũng có nhận thức cho rằng "Ở cơ sở chỉ cần chịu làm, chứ không cần đào tạo trình độ cao để làm gì?" hoặc "Cán bộ cơ sở hiện nay phải thực sự có trình độ, có năng lực". Thực tế hiện nay, có người có trình độ, nhưng do tinh thần trách nhiệm kém, ít kinh nghiệm, ít chịu làm, chịu trách nhiệm, quyết tâm thấp mà chưa thúc đẩy được phong trào ở cơ sở. Rõ ràng, nếu tuyệt đối hóa một mặt nào đó đều không đúng, dễ dẫn đến chủ quan duy ý chí về xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp.
Tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI nhấn mạnh việc kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Làm rõ tình trạng độc đoán, mất dân chủ, cục bộ địa phương trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ và trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Thông qua đó, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ đảng viên, công chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao thuộc lĩnh vực phân công, phụ trách đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị chưa? Đồng thời, kiểm điểm làm rõ những trường hợp bổ nhiệm, đề bạt, bố trí cán bộ không đúng người, đúng việc làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, của cá nhân về những thiếu sót, khuyết điểm và phương hướng khắc phục. Những giải pháp cần làm để nâng cao năng lực tư duy đối với đội ngũ cán bộ. Trước hết phải có quy hoạch và giải pháp cụ thể nhằm đào tạo và bồi dưỡng từng chức danh cán bộ. Dù có nhấn mạnh yêu cầu nâng cao trình độ và năng lực tư duy cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, thì không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, mà theo tiêu chuẩn cơ bản quy định theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) của Đảng. Trong đó tiêu chuẩn hàng đầu của cán bộ hiện nay đó là phải thực sự vững vàng về chính trị, có bản lĩnh kiên định lập trường cách mạng, có năng lực và kiến thức để tiếp thu và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và các chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước trên lĩnh vực công tác mà mình phụ trách, có khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ, được quần chúng nhân dân tín nhiệm.
Thực trạng tình hình hiện nay, thực hiện còn mang tính giải pháp tình thế, thiếu tầm chiến lược lâu dài. Mặt khác, cán bộ còn chắp vá, chế độ chính sách chưa được chú ý một cách đúng mức, nhiều bất hợp lý đang tồn tại chậm được bổ sung, đã tạo ra tâm lý thiếu nhiệt tình với công việc còn phổ biến. Bên cạnh đó, chưa xử lý kịp thời những cán bộ bản lĩnh chính trị không vững vàng, cơ hội, gia trưởng, độc đoán, kém về ý thức tổ chức kỷ luật; cục bộ, lối sống không lành mạnh hoặc bị quần chúng oán ghét đang trở thành lực cản thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp. Nghiêm khắc xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm về quy định những điều đảng viên không được làm, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng đến mức không đủ tư cách đảng viên phải được xem xét đua ra khỏi Đảng. Coi trọng việc phân công quản lý và kiểm tra đảng viên theo định kỳ, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng thích hợp (kể cả về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ...) để họ đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chúng ta thường nói "cán bộ nào thì phong trào ấy", đổi mới triệt để công tác cán bộ theo hướng công khai hóa, dân chủ hóa, minh bạch hóa, dựa vào dân, tôn trọng ý kiến người dân, ý kiến cơ sở phải chăng chính là giải pháp hữu hiệu nhất, là liều thuốc chữa trị tận gốc căn bệnh hình thức trong công tác tổ chức cán bộ. Chính vì vậy phải xây dựng cơ chế để người dân nói lên tiếng nói của mình, khuyến khích và bảo vệ người dân chống tiêu cực phải là công việc cấp bách hiện nay. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề cập “Định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của đảng viên. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân" (trang 258 - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI). Theo đó, Điều lệ Đảng đã quy định rõ: mọi đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Đảng viên sai phạm ngoài việc chịu kỷ luật Đảng thì trước hết phải bị xử lý về pháp luật, vì không ai có quyền đứng trên, đứng ngoài pháp luật.
Công tác cán bộ là vấn đề quan trọng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy trước khi bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải công khai và công tâm, thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác. Thực hiện chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kiên quyết loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân đi đôi với việc tổng kết việc thực hiện công tác tổ chức - cán bộ. Thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định. Tiếp tục nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu về công tác tổ chức- cán bộ. Đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá;đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài; làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở mỗi cấp đi đôi với việc thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy bằng cấp.
Với tinh thần và dũng khí đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, tạo ra bước ngoặt trong công tác cán bộ, cũng chính là nhằm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu dặn lại: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng...Ra sức làm trọn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, làm được như vậy thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn mấy chúng ta nhất định thắng lợi".
Cẩm Lệ