Thứ 5, Ngày 01/05/2025 -
Thị trường hàng hóa
Quý 1 năm 2025, thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu vẫn luôn được bảo đảm, giá các mặt hàng không có biến động lớn, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Lễ, Tết. Trong giai đoạn Tết Nguyên đán, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị khá tốt, cùng với thời tiết thuận lợi, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung các mặt hàng nhóm thực phẩm, nhất là rau, củ, quả (những nhóm hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết) dồi dào, đa dạng, giá nhóm hàng này những ngày cận Tết tương đối bình ổn so với năm trước. Các hàng hóa phục vụ Tết khác như bánh, mứt, kẹo tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do chi phí đầu vào tặng, tuy nhiên, nguồn cung các mặt hàng này khá phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Riêng mặt hàng thịt lợn, trong Quý I, giá thịt lợn đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (so với Quý 1/2024, giá thịt lợn tăng khoảng 10-15%, đến cuối Quý I, giá thịt lợn đã bắt đầu giảm nhẹ). Giá thịt lợn Quý I tăng là do một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn cung như: (i) dịch bệnh trên lợn đang trong giai đoạn dễ bùng phát, lây lan; (ii) các đơn vị chăn nuôi tập trung xuất chuồng trong giai đoạn trước Tết để được giá tốt nên sau Tết là giai đoạn giáp vụ, nguồn cung giảm cục bộ; (iii) bên cạnh đó là ảnh hưởng của việc nhiều trang trại phải ngừng chăn nuôi để chuyển dịch địa điểm nhằm bảo đảm thực hiện các quy định về điều kiện chăn nuôi theo quy định tại Luật Chăn nuôi (thời hạn cuối cùng bắt buộc thực hiện các điều kiện về chăn nuôi từ 01/01/2025).
Tổng sản phẩm trong nước (GDP)
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025 (Quý I các năm khác trong giai đoạn này tăng từ 3,21-5,98%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70% (đây cũng là mức tăng cao trong giai đoạn 05 năm, các năm khác khu vực dịch vụ tăng từ 3,03-6,99%), đóng góp 53,74%.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Cục Thống kê – Bộ Tài chính, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3/2025 đạt 570.913 tỷ đồng, tăng 1,68% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu do các nhóm du lịch, dịch vụ (với mức tăng từ 4,3-8,8%); nhóm bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 0,7% do nhu cầu các mặt hàng chủ lực như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thấp hơn sau đợt cao điểm mua sắm Tết. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Quý 1 năm 2025 đạt 1.708.252 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nhóm có mức tăng cao là lương thực, thực phẩm, hàng văn hóa phẩm, giáo dục (tăng lần lượt 10,1% và 13,3%); nhóm du lịch, dịch vụ và lưu trú, ăn uống (tăng từ 12,5-18,3%); các nhóm tăng thấp gồm phương tiện đi lại, đồ dùng trang thiết bị gia đình và hàng may mặc (chỉ tăng từ 1,7-6,9%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Quý I năm 2025 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại một số địa phương
Thành phố Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 03/2025 ước tính đạt 74,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 47,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 13,5%; khách sạn, nhà hàng đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% và tăng 19,5%; du lịch lữ hành đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 24%; dịch vụ khác đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% và tăng 11,9%.
Ước tính quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố Hà Nội đạt 226,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (Đá quý, kim loại quý tăng 19,2%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,6%; phương tiện đi lại và phụ tùng tăng 14,3%; lương thực, thực phẩm tăng 13,6%; xăng dầu các loại tăng 13,5%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 13,2%; nhiên liệu khác tăng 11,3%; hàng hóa khác tăng 11,9%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,1% tổng mức và tăng 17,5% (dịch vụ lưu trú đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6%; dịch vụ ăn uống đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 7,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 22,7%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 43,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,4% và tăng 11,8% (dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 12,4%; y tế tăng 9,7%; kinh doanh bất động sản tăng 8,8%; dịch vụ khác tăng 10,4; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 1,9%).
Thành phố Đà Nẵng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý 1 năm 2025 ước đạt 37.529,3 tỷ đồng, tăng 24,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước hơn 21.252,4 tỷ đồng, chiếm 56,6% trong tổng mức và tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 3, nhiều sự kiện, lễ hội được triển khai hướng tới chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975. 30/4/2025), các đơn vị kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi kích cầu tiêu dùng. Sức mua trên thị trường trong quý I năm 2025 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc khi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Ngay từ đầu năm 2025, công tác bình ổn thị trưởng được triển khai rộng rãi, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho dịp mua sắm Tết Nguyên đán. Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã chủ động trong việc chuyển đổi số, kinh doanh thương mại điện tử và cải tiến dịch vụ vận tải đáp ứng xu thế phát triển của thị trường.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2025 ước đạt 109.988 tỷ đồng, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm 2025 ước đạt 147.041 tỷ đồng, tăng 11,1 so với cùng kỳ (các nhóm có tỷ trọng lớn như: lương thực, thực phẩm chiếm 30,8%, tăng 8,7%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình chiếm 26,8%, tăng 26,5%; nhóm hàng hóa khác tăng 24%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 15%).
Xuất nhập khẩu
Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 38 tỷ USD, tăng 22,1% so với tháng trước, mức tăng cao là do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và số ngày trong tháng 2 ít hơn các tháng khác, bên cạnh đó, xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản, công nghiệp chế biến cũng có tăng trưởng mạnh như hạt điều, sắn, mây tre đan, gỗ, dệt may, da giầy... Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Quý I đạt 102,27 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó các nhóm ngành hàng chính như nông thủy sản và hàng công nghiệp chế biến có mức tăng từ 10-12,8% với sự tăng trưởng của các mặt hàng như cà phê, cao su, sắn, thủy sản, hạt tiêu, chất dẻo, mây tre, hàng dệt may, da giầy..., riêng nhóm nhiên liệu khoáng sản giảm 40,4% do giá dầu thô và xăng dầu giảm mạnh.
Ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 là 36,5 tỷ USD, tăng 11,8% so với tháng trước, trong đó mức tăng cao nhất tập trung vào nhóm hàng cần kiểm soát (tăng 12,9%) và nhóm hàng hóa khác (tăng 25,3%), nhóm hàng cần nhập khẩu (chỉ tăng 10,8%). Ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Quý I là 99,3 USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng hóa khác có mức tăng cao lần lượt là 20,3% và 18,2%, nhóm hàng cần nhập khẩu chỉ tăng 16,2%. Sau 3 tháng, cán cân thương mại tiếp tục ở trạng thái xuất siêu với mức xuất siêu là 2,97 tỷ USD.
Tài chính tiền tệ
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 02/2025, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng 3,1-4,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,5 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 4,8-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,5-7,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm. Theo báo cáo của các NHTM, đến ngày 20/3/2025, lãi suất tiền gửi của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 4,19%/năm, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 6,57%/năm, lần lượt tăng 0,08%/năm và giảm 0,57%/năm so với cuối năm 2024./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan