 |
Cán bộ khuyến nông thành phố Kon Tum hướng dân người dân phát triển cây thanh long ruột đỏ.
|
Việc liên kết “4 nhà” được thực hiện ở chỗ, tỉnh xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phù hợp, đầu tư vốn cho nhà khoa học xây dựng các mô hình, tổ chức công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật sản xuất cho người nông dân; nhà doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, vốn, giống… lên kết với người nông dân sản xuất; ngược lại người nông dân bán lại sản phẩm do mình sản xuất ra cho doanh nghiệp. Đồng thời thông qua việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế; tổ chức quy hoạch phát triển nông-lâm-thủy sản, triển khai nhiều chương trình, dự án đã tích cực góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Doanh nghiệp và người nông dân liên kết phát triển cây cao su
Theo giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hữu Hải, để góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tỉnh chuyển đổi gần 12 nghìn ha rừng nghèo, kém hiệu quả sang trồng cao su, thu hồi trên 62 nghìn ha đất lâm nghiệp của các công ty, lâm trường quản lý sử dụng không hiệu quả giải quyết đất ở và đất sản xuất cho người dân. Nhiều đề án, chính sách như đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển một số cây hàng hóa đến năm 2010 có tính đến năm 2015, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, phát triển thủy sản, hỗ trợ kinh phí phát triển cao su đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trồng cao su trong vùng quy hoạch phát triển cao su… được ban hành và triển khai thực hiện. Việc đầu tư xây mới các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương mở rộng diện tích tưới tiêu, khai hoang mở rộng diện tích lúa nước được quan tâm.
Nuôi nhím làm giàu ở huyện Ngọc Hồi
Có chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp đúng đắn và thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học, khuyến nông, khuyến lâm, việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho người nông dân ngày càng được cực đẩy mạnh. Theo đó, nhiều loại cây cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và năng suất cao đã được đưa vào sản xuất như: cao su PB 260, RRIW4 đang thay thế giống cao su cũ GT1, PB235, RIM600; ngô lai DK888, DK 999, LVN10, DK171, DK989… đang chiếm ưu thế; mía QĐ 15, F156, ROC 10, MY 55-14, VD79-177, VD81-3254…, sắn KM94, Hoa Nam có năng suất cao được nhân rộng; các giống bò thuộc nhóm Zê bu, lợn nạc Yorkshikre, Landrace, Duroc… được nuôi phổ biến. Tính đến thời điểm này, bà con nông dân các dân tộc trong tỉnh sản xuất 40% diện tích lúa lai, 89% diện tích ngô lai, 87% diện tích sắn cao sản và đàn bò lai chiếm 23% tổng đàn. Cây dược liệu: sâm Ngọc Linh đang được bảo tồn, cây ngũ vị tử đang được phát triển ở huyện Tu Mơ Rông. So sánh với đầu nhiệm kỳ, có thể thấy: diện tích cây công nghiệp dài ngày từ 33.751 ha lên 48.602 ha, trong đó cây cao su từ 19.830 ha lên 37,125 ha và sản lượng cao su từ 7.441 tấn lên 20.300 tấn; diện tích lúa hai vụ từ 6.227 ha lên 7.000 ha và sản lượng lúa từ 65.810 tấn lên 77.450 tấn; đàn bò từ 67.428 con lên 74.406 con; trâu từ 14.091 con lên 20.098 con; heo từ 122.890 con lên 133.241 con… Các vùng sản xuất chuyên canh tập trung tiếp tục được ổn định và mở rộng như vùng chuyên canh cà phê ở Đăk Hà, Ngọc Hồi; cao su ở Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Các nhà máy chế biến mủ cao su, cà phê, sắn được các doanh nghiệp đầu tư ở nhiều nơi bảo đảm thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong chăn nuôi đã hình thành vùng chăn nuôi tập trung, một số nơi có trang trại chăn nuôi với quy mô lớn như: các trang trại lợn giống ở huyện Đăk Hà, Kon Rẫy; bò tại huyện Đăk Tô, Sa Thầy; ong mật ở thành phố Kon Tum. Một số loài động vật hoang dã và vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao như nhím, heo rừng, cá sấu, ba ba… nuôi thành công và đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Đặc biệt, lợi thế phát triển thủy sản trên mặt nước lòng hồ thủy điện, hồ chứa thủy lợi đang được đánh thức. Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay phát triển được 1.324 ha (gồm: 524 ha ao nuôi, 800 ha hồ chứa). Bước đầu đã xây dựng được một số mô hình nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá bống tượng ở Đăk Tô, ba ba ở Sa Thầy, cá lăng ở Đăk Hà, cá tầm, cá hồi ở Kon Plông.

Lúa hương thơm được phát triển ở nhiều nơi
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, 747.186 ha rừng và đất lâm nghiệp đã được tỉnh giao cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý, sử dụng lâu dài. Thông qua việc giao đất, giao rừng, nhiều loại cây như trồng như keo lai, bời lời, cây gió bầu… có giá trị kinh tế cao đã được người dân và các doanh nghiệp chú trọng phát triển. Việc khảo nghiệm một số loài cây lâm nghiệp được tiến hành. Ngành NN&PTNT tỉnh đã tổ chức trồng thực nghiệm lát Mêxico tại xã Đăk Cấm (lâm phận Lâm trường Kon Tum, thành phố Kon Tum), xoan ta tại 3 tiểu vùng khí hậu khác nhau, thông Caribe tại hai tiểu vùng khí hậu (Đăk Glei và Kon Rẫy). Qua thực nghiệm, Ngành NN&PTNT đã đưa ra được khuyến cáo khoa học ở tỉnh ta không trồng rừng tập trung loài lát Mêxico, không trồng tập trung rừng xoan ta mà nên trồng phân tán…Qua chủ trương phát triển lâm nghiệp cùng với việc đẩy mạnh thực hiện chương trình, dự án, tỉnh ta đã góp phần nâng độ che phủ của rừng từ 65,5% lên 67,8%.
Có thể khẳng định rằng, bằng chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp đúng đắn và với việc liên kết “4 nhà”, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đời sống người nông dân tiếp tục được nâng cao.
Bài và ảnh: Trần Văn Nhiên