 |
Quang cảnh Hội thảo.
|
Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972 và Chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975 là những chiến thắng oanh liệt, to lớn, có tầm chiến lược, ảnh hưởng quan trọng tới cục diện chiến trường miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972 là một thắng lợi mang tầm chiến lược và cả chiến thuật của quân và dân ta. Bởi với chiến thắng này, một khu vực rộng lớn phía Bắc Kon Tum với hơn 25.000 dân được giải phóng. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, bộ đội ta đã đánh thắng to với cách hiệp đồng binh chủng hiệu quả, tiêu diệt hầu hết một căn cứ trên tuyến phòng thủ kiên cố của địch. Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh cũng đã góp phần làm suy yếu “Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ - Ngụy, tạo đà cho giải phóng tỉnh Quảng Trị (đầu tháng 5/1972); đồng thời làm cho cán cân so sánh lực lượng nghiêng về phía có lợi cho cách mạng miền Nam trong cuộc đàm phán bốn bên tại Paris, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định đình chiến, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, cam kết rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ về nước (27/1/1973); thì ba năm sau, chiến dịch Tây Nguyên mở màn vào mùa Xuân 1975 đã như một cơn lốc lớn làm suy yếu và tan rã nhanh chóng nhiều lực lượng quân sự và dân sự của Nguỵ quân, Nguỵ quyền Sài Gòn, góp phần giải phóng nhanh chóng các tỉnh Tây Nguyên, làm bàn đạp và hậu thuẫn cho quân giải phóng tiến đánh để giải phóng các tỉnh Nam Trung bộ, miền Đông Nam bộ… chuẩn bị tiến vào giải phóng Sài Gòn- sào huyệt cuối cùng của chế độ Mỹ - Ngụy kết thúc chiến tranh vào ngày 30/4/1975.
Nhìn trên bình diện rộng, kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, hay nhìn trong một phạm vi hẹp hơn, chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh hoặc chiến dịch Tây Nguyên lịch sử đều có thể khẳng định sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, sự chỉ đạo có tính linh hoạt, khôn khéo với tầm tư duy quân sự tuyệt vời của Quân uỷ Trung ương trong mỗi cuộc chiến, trong mỗi chiến dịch. Những kết quả của thắng lợi ấy trong chiến tranh còn có sự chiến đấu hi sinh của hàng vạn, hàng triệu đồng bào và bộ đội ta- trong đó có bộ đội và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã đồng cam, cộng khổ, chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do dân tộc, tất cả cho ngày toàn thắng. Đặc biệt có nhiều tham luận của đại diện các cơ quan nghiên cứu Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ VH, TT&DL…cùng các tham luận của nhiều đại diện cơ quan Dân - Chính - Đảng trên địa bàn Tây Nguyên và tỉnh Kon Tum với những đánh giá khách quan, đầy đủ và sâu sắc…
Ngoài ra, tại Hội thảo các đại biểu còn trao đổi và phát biểu ý kiến với các nội dung như: những phát hiện mới, tư liệu mới về chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1975 hoặc Chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975; Ý nghĩa chiến lược và chiến thuật của trận Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972; Mối quan hệ giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân du kích trong hợp đồng tác chiến làm nên chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh; Trận đánh Đăk Tô-Tân Cảnh trong cái nhìn tổng thể với Mặt trận B3-Tây Nguyên; Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh với việc giáo dục truyền thống yêu nước và các mạng ở Kon Tum và Tây Nguyên; Việc XĐGN và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng Đăk Tô-Tân Cảnh và tỉnh Kon Tum hôm nay; 37 năm sau ngày giải phóng miền Nam 1975 và 40 năm sau chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh: suy ngẫm và nhìn từ cuộc sống hôm nay; Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh với việc củng cố và giữ vững chính trị, bảo đảm ANQP cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng…/.
Tin, ảnh: Dương Nương