Thứ 7, Ngày 04/05/2024 -

Hội thảo quốc gia "Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể"
Ngày đăng: 23/04/2024  14:34
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia "Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể".

 

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Chi nhánh Ngân hàng, các tổ chức tín dụng, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.

 

Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Theo báo cáo tại Hội thảo, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 hợp tác xã (HTX), 137 liên hiệp hợp tác xã (LHHTX) và 71.500 Tổ hợp tác (THT). Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.500 HTX nông nghiệp (chiếm 66,7%) và gần 10.200 HTX phi nông nghiệp (chiếm 33,3%).

 

Đến nay đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp.

 

Về chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể (KTTT), HTX, Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về KTTT; Luật HTX; các Nghị định của Chính phủ và các Quyết định về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020; phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025,... nhằm tạo khung pháp lý cơ bản để hỗ trợ, khuyến khích KTTT, HTX phát triển. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

 

Nhằm xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển cho khu vực KTTT, HTX trong các thời kỳ trung và dài hạn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025. Hằng năm, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về KTTT ban hành Kế hoạch phát triển KTTT, HTX của cả nước làm định hướng cho các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu và giải pháp phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.

 

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành nhiều đề án nhằm thực hiện những mục tiêu trong ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên như: Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển 15.000 HTX, LHHTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025,...

 

Triển khai chương trình tín dụng phục vụ phát triển khu vực KTTT, HTX, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện đang thực hiện theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi đối với KTTT, HTX như: Chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm; chính sách ưu đãi lãi suất; cơ chế xử lý nợ đặc thù. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo triển khai nhiều chính sách cho vay ưu đãi, trong đó có đối tượng thụ hưởng là HTX.

 

Ngoài các chính sách ưu đãi thực hiện tại các Ngân hàng thương mại, các HTX, thành viên HTX còn được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua khoảng 28 chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng CSXH, trong đó HTX được vay vốn lãi suất ưu đãi triển khai Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ) và Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý (lãi suất cho vay 3,96%/năm); vay ưu đãi để tạo việc làm, vay 0% trả lương ngừng việc trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19.

 

Đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay đối với HTX, LHHTX đạt 6.043 tỷ đồng với gần 1.200 HTX, LHHTX.

 

Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan đã tập trung tham luận, thảo luận các nội dung về tình hình hoạt động của HTX, LHHTX, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, vướng mắc trong hoạt động và tiếp cận vốn tín dụng, đề xuất, kiến nghị; giải pháp củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX,...với 17 tham luận tại Hội thảo.

 

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, khẳng định thông qua Hội thảo lần này đã góp phần tìm được ra các điểm thắt để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực KTTT; trong thời gian tới đồng chí đề nghị đẩy mạnh thực hiện việc củng cố, đổi mới, sắp xếp lại các HTX, LHHTX và rà soát lại chính sách ưu tiên trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực KTTT.

 

Vũ Huệ