Thứ 7, Ngày 04/05/2024 -

Tích cực triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
Ngày đăng: 21/04/2024  08:03
Mặc định Cỡ chữ
Triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các cấp, ngành và địa phương của tỉnh đã quan tâm tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn để khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng...

 

Các em học sinh tại huyện Đăk Hà đọc sách tại Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ III - năm 2024

 

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích tinh thần đọc sách và nâng cao tầm nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đọc sách.

 

Để phát triển văn hóa đọc lên tầm cao mới, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, quyết định tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm trên toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vài trò, tầm quan trọng của sách đối với phát triển tri thức, nhân cách và tâm hồn con người, xây dựng và phát triển phong trào đọc sách hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội.

 

Trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, đã triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền về công tác phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội; xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; đa dạng hóa các hình thức cung cấp tài liệu cho người đọc; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm... Bên cạnh đó, từng bước xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng, trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng, nơi giao lưu giữa tác giả - tác phẩm và người đọc, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện.

 

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 01 thư viện tỉnh, 07 thư viện cấp huyện, 51 thư viện cấp xã, 14 phòng đọc sách cơ sở có phục vụ cộng đồng, với 271.501 bản sách (trong đó của thư viện tỉnh là 190.808 bản; các huyện 80.693 bản), 100 loại tài liệu, báo, tạp chí (Thư viện tỉnh 69 loại, Thư viện huyện 31 loại) để phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Hệ thống thư viện cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã phục vụ hơn 142.708 lượt người đọc, với gần 224.322 lượt sách, báo; riêng trong quý I năm 2024 đã có 52.320 lượt bạn đọc với 66.235 lượt sách, báo.

 

Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả như: Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Hội thi trưng bày không gian sách nghệ thuật; Giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm trong học sinh, sinh viên, truyền cảm hứng thúc đẩy phong trào đọc sách đến toàn dân; Hoạt động Ngày hội đọc sách, kết hợp với các hoạt động trưng bày sách, giao lưu, tìm hiểu tác giả, tác phẩm, vẽ tranh theo chủ đề, viết cảm nhận về ngày Hội sách... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội.

 

Ngoài ra, việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam còn có ý nghĩa rất đặc biệt quan trọng. Bỡi đây là thời điểm ra đời của cuốn sách “Đường Kách Mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm kinh điển của danh nhân văn hóa, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận cách mạng lỗi lạc của Nhân dân Việt Nam.

 

Lê Hằng