Thứ 3, Ngày 30/04/2024 -

Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2024
Ngày đăng: 10/04/2024  09:47
Mặc định Cỡ chữ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,07, tính chung quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ. Thị trưởng tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước quý I bằng 31,7% dự toán năm, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

 

Trong tháng 3 và quý I năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro, diễn biến phức tạp, khó lường cả về kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là tình trạng bất ổn an ninh, chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; kinh tế thế giới mặc dù có một số tín hiệu tích cực nhưng về tổng thể chưa ra khỏi giai đoạn khó khăn; thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt… tạo áp lực lớn lên thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ giá tại các nước đang phát triển. Ở trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã quán triệt phương châm “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng nghiêm các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; với sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, tạo đà phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

 

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, là mức tăng cao nhất trong quý 1 kể từ năm 2020 đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,07, tính chung quý 1 tăng 3.77% so với cùng kỳ. Thị trưởng tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước quý I bằng 31,7% dự toán năm, tăng 0,8% so với cùng kỷ. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội. Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I tăng 15,5% so với cùng kỳ; ước xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD. Trong quý I, giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn 3,32% so với cùng kỳ: tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ, tiếp tục tạo đã bứt phá cho các quý tiếp theo.

 

Khu vực nông nghiệp và dịch vụ duy trì tăng trưởng, lần lượt tăng 2,98% và 6,12 % so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; 54 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi và chuyển biến tích cực. Nguồn cung và giá cả hàng hóa trong nước cơ bản ổn định, tiêu thụ tăng, tồn kho giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,20% so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 8,2%, trong đó, các địa phương tăng khá như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ... Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19). Hoạt động vận tải duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong quý, có gần 60 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn đăng ký mới tăng 57,9%, vốn FDI thực hiện tăng 7,1%. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và có các dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm 2024.

 

Công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ. Trong quý I, tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực: đời sống người dân tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ thất nghiệp giảm so với cùng kỳ; thu nhập của người lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ hộ dân đánh giá có thu nhập không thay đổi và tăng lên trong quý I là 93,6% (tăng 1,5% so với quý trước). Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; nhiều chương trình, hoạt động được tổ chức để kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, 140 năm khởi nghĩa Yên Thế, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.. góp phần quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và thu hút khách du lịch tại các địa phương. Ngành giáo dục tập trung chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024; làm tốt công tác dạy và học, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác phòng, chống địch bệnh được thực hiện hiệu quả, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên, nhất là y tế kỹ thuật cao; cơ bản bảo đảm thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng. Tập trung xử lý các dự án, công việc tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư, thi công các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia. Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, triển khai quyết liệt quy định về hóa đơn điện từ đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được thúc đẩy. Các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng đã tổ chức nhiều phiên họp để chỉ đạo, lãnh đạo những định hướng lớn trong xây dựng văn kiện, báo cáo, tài liệu phục vụ Đại hội.

 

Quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác bảo đảm an toàn giao thông được tăng cường, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là về nồng độ cồn. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thiết thực; việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ với các đối tác đã tạo nhiều cơ hội, động lực mới cho tăng trưởng; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.

 

Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã bám sát thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề phát sinh và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời hơn, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hài hòa giữa xử lý tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn; phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và giữa các bộ, cơ quan, địa phương trong triển khai công việc; quyết tâm cao, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong triển khai thực hiện; đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xử lý công việc.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro; tỷ giá, áp lực lạm phát có xu hướng tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung, Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn tăng cao. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng sức cầu của nền kinh tế còn yếu; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Các thị trường tài chính, tiền tệ còn những yếu tố rủi ro, làm ảnh hưởng đến hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng còn chậm, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay 120 nghìn tỷ đồng chậm chuyển biến. Một số dự án giao thông quan trọng chưa bảo đảm tiến độ thi công do thiếu cát, vật liệu san lấp. Vẫn còn các quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Vấn đề ngập úng, ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn chưa được giải quyết triệt để; một số dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm. Vì vậy, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được; nhưng cũng không bị quan, lo sợ nếu tinh hình tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức hơn. 

 

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.... Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi; tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất, cung ứng điện và những yếu tố mới, khó lường ở bên trong, bên ngoài nến kinh tế tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng.

 

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh "; chủ động tham mưu, đề xuất và xử lý công việc theo thẩm quyền; kiên định, thực hiện nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội; tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức để thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024./.

 

                                                                                      Trịnh Minh