Thứ 7, Ngày 27/07/2024 -

Huyện Kon Plông tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ngày đăng: 27/02/2024  10:43
Mặc định Cỡ chữ
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, huyện Kon Plông đã không ngừng nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện.

 

Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế và thị trường tiêu thụ đến năm 2025  và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã ban hành Chương trình của Ban chấp hành Đảng bộ huyện và Nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Kon Plông đến năm 2030, đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2023 đạt 820 tỷ đồng, chiếm 19,7% tổng giá trị sản xuất trên toàn huyện. Tính đến cuối năm 2023, các loại cây trồng đạt, vượt so với Nghị quyết số 05-NQ/TU, cụ thể: Cây hàng năm 8.962 ha (đạt 116 %), cây dược liệu 1.317 ha (104,9 %), cây lâm nghiệp 4.326,7 ha (108,2%),...

 

Huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển diện tích rau, hoa xứ lạnh trên địa bàn huyện, trong đó chú trọng diện tích hộ cá nhân đồng bào DTTS. Trong đó, UBND huyện đã ban hành Chỉ thị với mục tiêu mỗi xã, thị trấn triển khai ít nhất một mô hình rau xanh 50-100 m2. Đến nay, UBND các xã, thị trấn đã rà soát chuẩn bị các điều kiện, chọn hộ, đăng ký diện tích, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện với tổng số 2.152 hộ; 29 đơn vị trường và 04 đơn vị trạm y tế với tổng diện tích 33,2 ha.

 

Về nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ huyện Kon Plông đến năm 2035 và định hướng đến năm 2030.

 

Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ trên địa bàn huyện hiện nay là 266 ha (diện tích nhà màng, nhà kính 33,4 ha; diện tích áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương 205 ha); Có 21 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã (HTX), 03 trang trại, 25 hộ cá thể sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao (UDCNC); 11 doanh nghiệp, HTX, trang trại được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 01 tổ hợp tác được cấp chứng nhận VietGAP; chứng nhận VietGAP cho 01 vùng sản xuất lúa gạo đỏ với diện tích 20 ha; Hỗ trợ 15 tổ chức, cá nhân làm mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan triển khai mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nhân giống một số cây trồng trên địa bàn huyện. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện, ổn định đầu ra sản phẩm.

 

Một số mô hình điển hình sản xuất UDCNC trên địa bàn huyện như: Mô hình sản xuất rau, củ, quả xứ lạnh hữu cơ tại HTX Thanh Niên Măng Đen; Mô hình sản xuất rau, củ, quả xứ lạnh VietGAP tại Công ty TNHH Việt Khang nông; Mô hình trồng Cà chua bi trong nhà màng UDCNC của Công ty cổ phần nông nghiệp xanh Măng Đen; Mô hình trồng cây Cam hữu cơ UDCNC của Trang trại nông nghiệp sinh thái Nguyễn Quang Đông; Mô hình trồng cây Cam ViệtGAP của Nhà hàng khách sạn thông đỏ; Mô hình trồng trồng lúa chất lượng cao ST25 của Trung tâm DVNN huyện; Mô hình trồng Sâm dây của Công ty cổ phần dược liệu Mê Kông; Mô hình sản xuất cà chua, ớt chuông, dâu tây VietGAP của Công ty TNHH MTV Tú Phương Măng Đen.

 

Trong phát triển chăn nuôi, đến cuối năm 2023, tổng đàn gia súc triển địa bàn có khoảng 25.057 con; 1 trang trại chăn nuôi dê công nghệ cao với diện tích chuồng nuôi 2,5 ha, thực hiện chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi VietGAP. Trên địa bàn huyện có 0,7 ha nuôi trồng thuỷ sản UDCNC (nuôi cá nước lạnh) của Công ty Hoàng Ngư Măng Đen, sản lượng 12 tấn, doanh thu trung bình 3,6 tỷ/năm, hiện tại Công ty đang áp dụng công nghệ sục khí oxy để tăng hàm lượng oxy hòa tan.

 

Bên cạnh đó, đã hình thành khu nông nghiệp với quy mô 170ha và triển khai xây dựng 36.288 m2 nhà kính với và các công trình phụ trợ với vốn đầu tư 38,106 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh công nhận 01 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty WinEco, Công ty TNHH ADC).

 

Toàn huyện có 40 THT hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, với tổng số 359 thành viên và có 48 HTX đang hoạt động, tổng số thành viên tham gia HTX là 509 người; có 16 HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong đó có 01 HTX trồng rau, hoa, đậu các loại sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm.

 

UBND huyện đã tổ chức hội nghị đánh giá phát triển kinh tế tập thể, HTX và tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên HTX trên địa bàn huyện; tại hội nghị UBND huyện đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác giữa UBND huyện và Công ty cổ phần MeKong Herbals, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và các HTX về phát triển và thương mại sản phẩm từ các loại cây Dược liệu, Cà phê xứ lạnh, cây ăn quả, Sả Java, sản phẩm từ lúa Gạo đỏ, trồng chế biến sản xuất và bao tiêu sản phẩm Chè xanh, Chè Ô long...

 

Theo đánh giá của huyện, trong thời gian qua, quan điểm và cách nhìn về phát triển nông nghiệp thực sự đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện. Nền nông nghiệp đã dần từng bước thay đổi phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, qua đó đã khắc phục một phần tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng, năng suất và hiệu quả thấp; kết quả thu hút, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp có sự tăng lên về số lượng, quy mô, thay đổi về chất lượng. Quy hoạch nông nghiệp, đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp UDCNC được chú trọng; công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cũng được quan tâm; doanh nghiệp, người dân đã chú trọng áp dụng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; một số sản phẩm đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kinh tế tập thể, trang trại, THT, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước hoạt động hiệu quả.

 

Để tiếp tục triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp trên địa bàn, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu: Diện tích cây hàng năm đạt 7.722 ha (trong đó cây rau, hoa, củ, quả xứ lạnh 500 ha); tổng diện tích vùng trồng dược liệu các loại đạt 1.255 ha (1.000 ha hồng đẳng sâm); cây ăn quả 1.500 ha; cây Cà phê 1.605,4 ha (đạt 2.000 ha vào năm 2030); cây chè 500 ha; cây lâm nghiệp 4.000 ha; Đàn gia súc gia cầm 59.350 con; nuôi trồng thủy sản 80 ha. Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, UDCNC trên địa bàn huyện chiếm 25 - 30% trong tổng giá trị sản xuất xuất nông nghiệp.

 

Mở rộng và hình thành mới các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm hữu cơ, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 2% tổng diện tích gieo trồng với một số cây trồng chủ lực như: Rau, củ, quả xứ lạnh; cây ăn quả; cà phê; dược liệu; cây chè ở các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện. Mở rộng Vùng nông nghiệp UDCNC Măng Đen cả về số lượng doanh nghiệp, diện tích sản xuất và đầu tư hạ tầng cơ sở đồng bộ cho Vùng nông nghiệp UDCNC Măng Đen. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho Khu nông nghiệp UDCNC Măng Đen đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, chuyển giao quy trình kỹ thuật, khoa học công nghệ; ươm tạo doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện kế hoạch ươm trồng cây hoa mai anh đào, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt 01 triệu cây hoa Mai anh đào trên toàn huyện. Tiếp tục rà soát trồng thông ba lá dọc Quốc lộ 24 đoạn từ thị trấn Măng Đen đến xã Hiếu, tiến hành trồng dặm diện tích cây bị chết và trồng mới đối với diện tích đất trống.

 

Kon Plông là huyện có tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện đáng kể; nguồn cung cấp dịch vụ nông nghiệp và thương mại nông sản đa dạng.

 

Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, huyện Kon Plông có nhiều tiềm năng để trồng, chăm sóc rau, hoa xứ lạnh. Hy vọng trong thời gian tới huyện Kon Plông sẽ xây dựng thành công vùng chuyên canh trồng rau, hoa xứ lạnh và đưa việc trồng rau, hoa xứ lạnh của Măng Đen, Kon Plông sớm trở thành thương hiệu như kỳ vọng của đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc với Ban Thường vụ huyện ủy Kon Plông vừa qua./.

 

Vũ Huệ