Thứ hai, Ngày 16/09/2024 -
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tại kỳ họp |
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp!
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp.
Thưa toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!
Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh như sau:
Trước và sau Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Khóa XII, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển 133 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri đến UBND tỉnh để giải quyết (trong đó: Có 105 ý kiến, kiến nghị về lĩnh vực kinh tế - ngân sách; 18 ý kiến, kiến nghị về lĩnh vực văn hóa - xã hội; 09 ý kiến, kiến nghị về lĩnh vực pháp chế và 01 ý kiến, kiến nghị lĩnh vực Dân tộc). Các ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung vào các vấn đề về chế độ, chính sách; xây dựng chính quyền địa phương; đơn giá bồi thường; tài nguyên và môi trường; quy hoạch, thu hút đầu tư; giao thông, đô thị; nông nghiệp, thủy lợi...
Ngay sau khi tiến nhận ý kiến, kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung giải quyết, trả lời cử tri theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; đối với các ý kiến, kiến nghị liên quan ngân sách nhưng địa phương chưa cân đối được để thực hiện (đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa chữa các tuyến giao thông, thủy lợi...), UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra tính cấp thiết, tham mưu kế hoạch, lộ trình ưu tiên để thực hiện, đồng thời thông tin đến cử tri để biết; những nội dung vượt thẩm quyền, UBND tỉnh đã kiến nghị các cấp xem xét, giải quyết theo quy định (chi tiết nội dung giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được thể hiện tại Báo cáo số 374/BC-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XII).
Tại kỳ họp này, UBND tỉnh lựa chọn, báo cáo 07 vấn đề mang tính chung nhất được cử tri quan tâm, cụ thể như sau:
(1) Cử tri kiến nghị về chế độ và chính sách: Đề nghị UBND tỉnh có chế độ chính sách đối với chức danh nhất thể hóa Bí thư kiêm thôn, tổ trưởng ở khu dân cư (hiện tại đang được hưởng 50% phụ cấp kiêm nhiệm) để động viên cho các đồng chí kiêm nhiệm hoàn thành nhiệm vụ.
Nội dung này UBND tỉnh xin trả lời như sau: Chủ trương Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng Tổ dân phố là một trong những chủ trương nhằm tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Việc bố trí Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng Tổ dân phố cũng là điều kiện để tăng chế độ cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố hoạt động có hiệu quả.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là: “1. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với các thôn sau đây được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở: a) Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; b) Thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; c) Thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo”.
Căn cứ quy định trên, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 36/2020/NQ-HĐND ngày 16/7/2020, trong đó quy định các chức danh: Bí thư chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng ban công tác Mặt trận hưởng mức phụ cấp 1,0. Đối với các thôn thuộc xã trọng điểm, thôn có 350 hộ trở lên, thôn thuộc xã biên giới thì 03 chức danh trên được hưởng mức phụ cấp 1,66.
Hiện nay, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023, quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó tại khoản 2 Điều 34 quy định về khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố như sau:“a) Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở. Trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì được giữ mức khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở; b) Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở”. Theo quy định trên mức khoán phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố “tăng” so với mức khoán phụ cấp quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Sở Nội vụ đã phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình kỳ họp lần này về Nghị quyết Quy định chức danh, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Sau khi HĐND tỉnh thống nhất thông qua sẽ triển khai thực hiện.
(2) Về đơn giá đất, bồi thường GPMB, cử tri kiến nghị: Thu hồi đất để thực hiện các dự án khai thác quỹ đất giá bồi thường thấp không đủ cho gia đình nhận chuyển nhượng vị trí đất khác phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống. Đề nghị UBND tỉnh xem xét lại các dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Nội dung này UBND tỉnh xin trả lời như sau: Có thể thấy rằng, công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB là vấn đề khá phức tạp hiện nay, được quy định tại rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thời gian qua tình trạng sốt đất, giá tăng đột biến bất thường gây tâm lý hoan mang cho người sử dụng đất, một số đối tượng gom đất, tạo sự khang hiếm gây giá đất ảo, ảnh hưởng đến công tác định giá đất, công tác bồi thường, GPMB để thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cương công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng, kiểm soát hoạt động mua bán, sang nhượng đất đai, các giao dịch bất động sản... bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời để tăng tính chủ động, nâng cao vai trò trách nhiệm của UBND cấp huyện, UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố phê duyệt giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc xác định giá đất cụ thể làm cơ sở lập, phê duyệt phượng án bồi thường GPMB phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật và được Hội đồng thẩm định thông qua giá đất trước khi phê duyệt, đảm bảo sát với giá thị trường và công bằng với người sử dụng đất.
Theo kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát quá trình xác định giá đất cụ thể của UBND thành phố; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền vận động, phối biến pháp luật nhằm tạo sự đồng thuận và ý thức chấp hành về lĩnh vực đất đai; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá thị trường bất động sản, kể cả nghiên cứu, đề xuất việc bồi thường về đất theo quy định và chủ động triển khai xây dựng giá đất theo Luật Đất đai mới có hiệu lực thi hành “01 giá”. Hy vọng sẽ sớm khắc phục tồn tại này.
(3) Cử tri kiến nghị về giá nước sinh hoạt: Hiện nay, việc thu giá nước một mức chung 20.000 đồng/m3 (cao gấp gần 3 lần mức nước sinh hoạt hộ gia đình) cho tất cả các hộ có treo biển buôn bán kinh doanh là chưa hợp lý. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty cổ phần cấp nước Kon Tum xem xét điều chỉnh giá nước cho phù hợp đối với từng đối tượng.
Nội dung này UBND tỉnh xin trả lời như sau:
Việc xác định giá nước sinh hoạt được thực hiện theo Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNN ngày 15/5/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn. Theo nguyên tắc xác định giá phải được tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ để các đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định của pháp luật; phương pháp xác định giá, đúng thẩm quyền và nằm trong khung giá hoặc giới hạn giá do Nhà nước quy định; nhưng phải phù hợp với chất lượng nước theo Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành do cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố hoặc ban hành.
Căn cứ các quy định trên, UBND tỉnh đã ban hành biểu giá nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum tại Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 10/11/2020, trong đó biểu giá nước sinh hoạt các hộ gia đình, cá nhân, mức từ 01m3-10m3: 6.700 (đồng/m3); từ trên 10m3-20m3: 7.900(đồng/m3); từ trên 20m3-30m3 9.800(đồng/m3); từ trên 30m3: 14.700 (đồng/m3).Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần cấp nước Kon Tum tính thêm mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch và thuế giá trị gia tăng (5%) theo quy định.
Như vậy, việc áp dụng giá cao nhất từ trên 30m3 là 14.700 (đồng/m3) công với các loại thuế phí đối với các hộ mới kinh doanh buôn bán như cử tri phản ánh là không phù hợp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính kiểm tra và yêu cầu Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum rà soát, khắc phục; đồng thời, đề nghị Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu quy định khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt theo Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài chính, tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành theo quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
(4) Cử tri kiến nghị về vấn văn hóa, đạo đức, cử tri kiến nghị: Hiện nay, tình trạng xuống cấp văn hóa, đạo đức, vi phạm pháp luật của một bộ phận giới trẻ càng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc giáo dục về văn hóa, đạo đức, pháp luật cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo cần quan tâm, chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức trong nhà trường.
Nội dung này UBND tỉnh xin trả lời như sau: Việc cử tri phản ánh tình trạng xuống cấp văn hóa, đạo đức, vi phạm pháp luật của một bộ phận giới trẻ càng ngày càng gia tăng đã gây ra bức xúc trong dư luận. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, ngăn chặn buôn bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử trong học đường; đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học hạnh phúc”; “Trường, lớp xanh - sạch - đẹp - an toàn”, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học... Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện; phối hợp giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội trong giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên; phối hợp với ngành Công an, Y tế trong công tác tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy... Nhờ đó, chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên luôn được giữ vững và cải thiện, cụ thể:
- Cấp Tiểu học: Năm học 2021-2022, tỉ lệ học sinh xếp loại về Phẩm chất Đạt trở lên 99,74%; Xếp loại Cần cố gắng 0,26%. Năm học 2022-2023, tỉ lệ học sinh xếp loại Đạt trở lên 99,84%; Xếp loại Cần cố gắng 0,16%.
- Cấp Trung học: Năm học 2021-2022, tỉ lệ học sinh xếp loại Hạnh kiểm Trung bình trở lên 99,76%; Hạnh kiểm yếu 0,24%. Năm học 2022-2023, tỉ lệ học sinh xếp loại Hạnh kiểm Trung bình trở lên 99,77%; Hạnh kiểm yếu 0,23%.
Năm học 2023-2024, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức triển khai, thực hiện tốt công tác nêu trên.Tiếp tục thực hiện tốt sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng trong giáo dục học sinh, sinh viên, và định hướng tốt để con em có một lý tưởng sống trên những giá trị cao đẹp, lễ phép, gương mẫu, ngoan ngoãn, biết quan tâm yêu thương mọi người.
(5) Cử tri kiến nghị về lĩnh vực đất đai: Hiện nay, việc quy định vị trí đất thổ cư trong GCNQSD đất gây khó khăn cho người dân trong quá trình xây dựng nhà ở cũng như chia, tách thửa để tặng cho con, vì các thửa đất ở vùng nông thôn có diện tích lớn. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ thực hiện quy định vị trí đất thổ cư đối với thửa đất tại các tuyến đường lớn, quốc lộ, khu trung tâm, khu đô thị; còn đối với thửa đất ở các khu vực phía trong đường nông thôn thì không nên quy định.
Nội dung này UBND tỉnh xin trả lời như sau:
Căn cứ khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xác định loại đất: “1. Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng.…
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau thì phải xác định ranh giới theo hiện trạng để xác định diện tích sử dụng nhằm đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, …Vì quy định của pháp luật đất đai được áp dụng đồng bộ, thống nhất, do đó không thể điều chỉnh theo từng trường hợp, từng khu vực theo kiến nghị của cử tri. Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
(6) Cử tri kiến nghị về lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn: Hiện nay, tỉnh Kon Tum được cấp mã vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Do nhu cầu xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh nên thương lái thu mua lộn xộn, không phân biệt có mã vùng hay không có mã vùng để về dán mã của công ty và xuất khẩu. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để đảm bảo chất lượng, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong những năm tiếp theo.
Nội dung này UBND tỉnh xin trả lời như sau: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV ngày 28/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, tập huấn các tổ chức, cá nhân, người sản xuất Sầu riêng áp dụng những quy trình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn như Viet GAP, sản xuất hữu cơ….; xây dựng, quản lý vùng sản xuất, cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ thiết lập hồ sơ, đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm các quy định về mã số vùng trồng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua do nhu cầu xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh nên có tình trạng thương lái lợi dụng nâng giá để thu mua lộn xộn, không phân biệt có mã số vùng trồng hay không có mã vùng trồng để dán mã của Công ty và xuất khẩu không đảm bảo theo quy định, gây thiệt hại cho cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã nghiêm túc chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát và thu hồi mã số đã cấp đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói không đáp ứng quy định về sử dụng mã số vùng trồng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường …) tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp thu mua không đảm bảo pháp luật, không phân biệt có mã số vùng trồng hay không có mã số vùng trồng để về dán mã của Công ty và xuất khẩu, làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.
(7) Cử tri kiến nghị về vấn đề khám chữa bệnh: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tiến hành kiểm tra, thanh tra và quy định cụ thể việc khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, các cơ sở này khám, điều trị, bán thuốc cho bệnh nhân chưa được khách quan và minh bạch (không có đơn thuốc, giá thuốc cụ thể).
Nội dung này UBND tỉnh xin trả lời như sau:
Căn cứ khoản 5 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23/11/2009 về các hành vi bị cấm“Người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sỹ đông y, y sỹ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn về chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở vi phạm trong khi hành nghề và đã Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Năm 2021 có 06 cơ sở; năm 2022 có 09 cơ sở; 9 tháng đầu năm 2023 có 05 cơ sở. Các hành vi vi phạm như: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Cơ sở không có mặt khi mở cửa hoạt động mà không có giấy ủy quyền cho người có trình độ chuyên môn phù hợp; khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được Sở Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề,...
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật. Bảo đảm các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thực hiện nghiêm, đặc biệt chú trọng kiểm soát việc kê đơn và chỉ định sử dụng thuốc cho người bệnh tại các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo phản ánh của cử tri.
Trên đây là Báo cáo tóm tắt kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh Khóa XII, kỳ họp thứ 6 xem xét, cho ý kiến.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Tin tức liên quan