Thứ 7, Ngày 27/07/2024 -

Nghề dệt của nhóm A Ráp (Gia Rai), tỉnh Kon Tum được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày đăng: 14/11/2023  21:41
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3434/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai), huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum”.

 

Nghệ nhân người Gia Rai truyền dạy nghề

 

Nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) đã có từ lâu, được lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Để tạo thành tấm thổ cẩm người A Ráp (Gia Rai) trình tự thực hành các bước:

 

Chuẩn bị nguyên liệu: Quả bông được thu hoạch thành nhiều đợt, sau khi thu hoạch, quả bông được phơi khô sao cho bông nở đều, sau đó loại bỏ vỏ và các tạp chất bẩn dính trên bông. Để tách bông ra khỏi hạt, người A Ráp (Gia Rai) sử dụng dụng cụ tách hạt (Tă), sau khi tách bông khỏi hạt tiếp tục phơi khô để bông giữ được màu trắng vốn có. Bông đã khô, người A Ráp (Gia Rai) sử dụng dụng cụ Bật bông (Mơˇnh) để làm cho bông tơi xốp, mịn màng hơn, thuận lợi khi xe thành sợi. Sau khi bông đã đánh tơi xốp, người A Ráp (Gia Rai) sử dụng dụng cụ Xa kéo sợi (Roi), lúc này bông được xe thành sợi và cuộn vào thoi sợi. Sợi sau khi xe, được cuộn tròn lại như quả bóng, sau đó đem dàn trên dụng cụ dàn sợi (Tơi vơi) để quấn các sợi chỉ thành hình tròn thuận lợi trong quá trình nhuộm màu cho sợi.

 

Quy trình nhuộm sợi: Người A Ráp (Gia Rai) chuẩn bị các loại củ, cây trong tự nhiên để thực hiện nhuộm sợi. Sau khi nhuộm sợi xong, phơi sợi dưới bóng mát, để có được thuận lợi trong quá trình dệt, người làm sợi tiếp tục cuộn tròn sợi như quả bóng bằng dụng cụ cuộn sợi (Tơi vơi).

 

Quy trình dệt: Trước khi đưa vào khung dệt (khôông) để dệt vải thổ cẩm, người A Ráp (Gia Rai) giăng sợi trên khung giăng sợi (Hnar) theo số lượng chỉ nhất định, tương đương với khổ vải. Sau khi giăng sợi xong, đưa thảm sợi vào khung dệt để dệt vải thổ cẩm.

 

Người dân làng Bar Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy dệt thổ cẩm

 

Hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) tỉnh Kon Tum còn duy trì và thực hành trong các thôn, làng tại các huyện: Sa Thầy, thành phố Kon Tum. Đặc biệt nghề dệt thủ công truyền thống phát triển mạnh, tạo thành những tổ hợp dệt vừa phát triển kinh tế gia đình, là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương...

 

Trong đợt này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh mục hơn 36 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, như: Nghề làm nem Lai Vung (Đồng Tháp); Lễ Vu lan thắng hội (Trà Vinh); Hát Trống quân Liêm Thuận (Hà Nam); Múa hát Lải Lèn (Hà Nam); Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, Lễ hội đình Vạn Ninh, Hát Soọng Cô của người Sán Dìu, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội Xuống đồng (Quảng Ninh); Lễ hội Bổng Điền, Nghề dệt đũi (Thái Bình); Lễ hội Mường Khô, Lễ hội Sết Boóc Mạy, Lễ hội Nàng Han (Thanh Hóa); Lễ hội Vía Bà Thủy Long, Nghề làm tôm khô (Cà Mau); Nghề dệt của nhóm A Ráp (Gia Rai) (Kon Tum); Lễ hội đền Yên Lương (Nghệ An); Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông (Yên Bái); Hát Quan làng của người Tày (Tuyên Quang); Vovinam - Việt Võ Đạo (TP.Hồ Chí Minh); Lễ hội Xương Giang (Bắc Giang); Lễ hội Chùa Ông (Đồng Nai); Hát Quan làng của người Tày, Lễ cúng rừng của người Cờ Lao, Nghề làm nón Hai mê của người Tày (Hà Giang); Keng Loóng của người Thái (Hòa Bình); Lễ hội đền An Xá/Lễ hội Đậu An (Hưng Yên); Nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen (Lào Cai); Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Nghệ An); Lễ hội rước Chúa Gái, Lễ hội đền Du Yến, Lễ mở cửa rừng của người Mường (Phú Thọ); Hát ru Cảnh Dương, Hát Kiều (Quảng Bình); Lễ hội Ariêu piing của người Tà Ôi (Pa cô) (Quảng Trị).

 

Thái Ninh