Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025
Ngày đăng: 30/05/2023  08:20
Mặc định Cỡ chữ
Vùng Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nguyên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và vùng Tây Nguyên, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên đã thống nhất ký kết nội dung hợp tác chủ yếu đến năm 2025.

 

Với quan điểm triển khai cụ thể, hiệu quả các chủ trương của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và vùng Tây Nguyên. Phát huy lợi thế của các bên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng Tây Nguyên và cả nước. Dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, các bên cùng có lợi. 4. Nội dung hợp tác cụ thể, khả thi, dựa trên nhu cầu thực tế và năng lực thực hiện của các bên. Các cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch từng nội dung hợp tác cụ thể, có kế hoạch tổ chức sơ kết hàng năm tại đơn vị.

 

Về mục tiêu hợp tác: (i) Chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các bên và khu vực. (ii) Tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên. (iii) Trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

 

Những lĩnh vực hợp tác trọng tâm:

 

Thúc đẩy phát triển du lịch: Tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tập trung tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, Hội thảo, Hội chợ triển lãm, các sự kiện và lễ hội của các địa phương, các chương trình du lịch liên kết, hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch kết nối; xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch; triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phần mềm du lịch thông minh; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

 

Về kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại: (i) Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư thương mại để thu hút được những nhà đầu tư chiến lược lớn vào đầu tư các dự án trọng điểm có tính kết nối và đóng góp vào sự phát triển các bên. (ii) Tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động Showroom xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các bên trưng bày giới thiệu sản phẩm xuất khẩu. (iii) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hóa, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm. (iv) Hỗ trợ xây dựng, thu thập hệ thống thông tin thương mại hai chiều về thị trường hàng hóa cho doanh nghiệp; giới thiệu và quảng bá thương mại, tạo điều kiện cho nhau trong tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, mở các chi nhánh thương mại, tìm kiếm đối tác xuất khẩu. (v) Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong vùng đưa sản phẩm, hàng hóa vào tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp kêu gọi các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác đầu tư xây dựng các trung tâm hội chợ triển lãm, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn các tỉnh trong vùng. (vi) Nghiên cứu, triển khai chương trình hợp tác phát triển chế biến, tiêu thụ nông sản. Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào các tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu (lúa, rau màu, cây ăn trái, thủy sản,...) và đầu tư sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, sơ chế, chế biến hàng xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát, đầu tư vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của địa phương để ký kết, bao tiêu sản phẩm. (vii) Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản, sản phẩm OCOP của vùng Tây Nguyên tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GAP, GlobalGAP, ...). (viii) Hợp tác về kinh tế đối ngoại: Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ, lồng ghép vào các hoạt động đối ngoại của Thành phố để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thế mạnh của các tỉnh vùng Tây Nguyên, qua đó kêu gọi hợp tác đầu tư với các địa phương; hỗ trợ mở các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ năng thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, chuyển giao công nghệ, ...

 

Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực: (i) Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. (ii) Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung các lĩnh vực: môi trường, năng lượng xanh, nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Hợp tác hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ để khai thác thế mạnh của các địa phương; thực hiện chuyển giao các giải pháp, sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp tại các tỉnh trong vùng. Giới thiệu, quảng bá, thương mại hóa đề tài nghiên cứu, sáng chế, dự án khởi nghiệp,... đến doanh nghiệp có nhu cầu thông qua Sàn giao dịch công nghệ, kết nối doanh nghiệp và đơn vị cung ứng công nghệ để đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp công nghệ phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh trong vùng. (iii) Phát triển hạ tầng số, nhân lực số, cơ sở dữ liệu và chia sẻ các nền tảng dùng chung cho hệ thống hành chính và cộng đồng doanh nghiệp. (iv) Xây dựng cơ chế kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm; đào tạo nhân lực theo yêu cầu. (v) Hỗ trợ đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn các tỉnh trong vùng. (vi)  Phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ như: hội thảo công nghệ, Chợ công nghệ và thiết bị - Techmart và các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ,...

 

Về phát triển y tế, giáo dục: (i) Hỗ trợ, giúp đỡ ngành y tế các tỉnh trong vùng đào tạo chuyển giao kỹ thuật trong phẫu thuật và điều trị kỹ thuật cao; nâng cao năng lực quản lý và chất lượng khám, chữa bệnh trên các lĩnh vực: Ung bướu; Truyền máu huyết học; Sản phụ khoa; Nhi - Sơ sinh; Y học cổ truyền; Chấn thương, chỉnh hình, Phẫu thuật - nội soi; Chẩn đoán hình ảnh; Phục hồi chức năng; Cấp cứu, hồi sức, chống độc; Tim mạch can thiệp; đào tạo về chẩn đoán và điều trị hậu ČOVID-19... Thực hiện chuyển giao công nghệ kỹ thuật trong đó ưu tiên cho Chuyên khoa đã có ê kíp cán bộ được đào tạo và trang bị đầy đủ; tiếp tục vận động các đoàn khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. (ii) Phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025. (iii) Tạo điều kiện thuận lợi cho một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh mở các chi nhánh, xây dựng các cơ sở đào tạo tại các tỉnh trong vùng.

 

Lĩnh vực nông nghiệp: (i) Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản, sản phẩm OCOP của vùng Tây Nguyên tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GAP, GlobalGAP,...). Hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ, hệ thống siêu thị,... của Thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của địa phương để ký kết, bao tiêu sản phẩm. (ii) Phối hợp triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn; liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic,... Hỗ các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm hoàn thiện các thủ tục, thực hiện quy định truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn thực phẩm để đưa nông sản, thực phẩm an toàn vào tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. (iii) Trao đổi kinh nghiệm phát triển các mô hình quản lý bền vững trên cơ sở bảo vệ, duy trì hệ sinh thái gắn với việc nâng cao đời sống của người dân, tham quan học tập các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững.

 

Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác trọng tâm chung cho cả vùng Tây Nguyên lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây nguyên đã thống nhất các nội dung hợp tác song phương, cụ thể:

 

Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Kon Tum: phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu; phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

 

Thành phố Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu; công nghiệp chế biến, công nghiệp phát triển năng lượng tái tạo; du lịch.

 

Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Đắk Lắk: phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa; phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Đắk Nông: thu hút các nhà đầu tư có năng lực để phát triển ngành du lịch; liên kết trong chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Nông; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Lâm Đồng: phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao; liên kết tiêu thụ nông sản./.

 

                                                                                      Trịnh Minh