Thứ 3, Ngày 23/04/2024 -

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 22 - 26/5/2023
Ngày đăng: 27/05/2023  22:53
Mặc định Cỡ chữ
Công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2 - Năm 2022; Triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước; Trước 20/6/2023: 100% cán bộ, CCVC hoàn thành kích hoạt thành công ứng dụng VNeID mức độ 2; Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc; Ủy quyền UBND các huyện, thành phố quyết định giá đất cụ thể; Đẩy mạnh công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả mùa khô và cả năm 2023; Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Kon Plông... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 22 - 26/5/2023.

 

Ảnh minh họa

 

Công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2 - Năm 2022.

 

Tại Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 31 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1: Huyện Sa Thầy 1 trường, huyện Kon Plông 1 trường, huyện Tu Mơ Rông 3 trường, huyện Đăk Tô 3 trường, huyện Đăk Hà 7 trường, huyện Ngọc Hồi 9 trường và thành phố Kon Tum 7 trường.

 

Tại Quyết định số 258/QĐ-UBND ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2: (1) Trường Mầm non Ánh Dương - xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy; (2) Trường Mầm non Hoa Hồng - thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi; (3) Trường Mầm non Hoa Mai - xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum; (4) Trường THCS Lương Thế Vinh - thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô; (5) Trường THCS Nguyễn Du - xã Diên Bình, huyện Đăk Tô.

 

Thời hạn công nhận là 5 năm.

 

Triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 1475/UBND-NNTN ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ năng nóng, hạn hán, thiếu nước; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng phải ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

 

Yêu cầu các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước; kiểm tra, rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước để điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn; Kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước; Xây dựng Phương án, kế hoạch cụ thể để bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ cho sản xuất và cho công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh; Tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về tình hình và các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước để người dân biết, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước; sử dụng dụng điện, nước tiết kiệm, hiệu quả...

 

Trước 20/6/2023: 100% cán bộ, CCVC hoàn thành kích hoạt thành công ứng dụng VNeID mức độ 2.

 

Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện việc đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, tại Công văn số 1486/UBND-NC ngày 23/5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tăng cường quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

 

Chỉ đạo 100% cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên… trong cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy tinh thần gương mẫu triển khai thực hiện đăng ký, cài đặt tài khoản định danh điện tử và kích hoạt thành công ứng dụng VNeID mức độ 2 (hoàn thành trước ngày 20/6/2023); tích cực sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID trong giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đồng thời tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, bạn bè và Nhân dân trên địa bàn cùng thực hiện.

 

Đối với các cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết TTHC, tất cả các cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC phải nắm vững cách thực hiện và hướng dẫn công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào các cổng dịch vụ công và tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các tính năng khai thác thông tin cá nhân, thông tin các loại giấy tờ đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeID phục vụ kiểm tra, đối chiếu thay thế cho việc xuất trình các loại giấy tờ vật lý trong thực hiện các giao dịch, giải quyết TTHC.

 

Giao Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa việc đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử; nhất là các tiện ích của tài khoản định danh điện tử trong việc thực hiện TTHC; Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền qua tin nhắn SMS nhằm nâng cao nhận thức của tất cả người dân trên địa bàn tỉnh tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai, thực hiện.

 

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VneID); các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID bước đầu đã được người dân tiếp cận, ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, như: sử dụng thông tin về cư trú, thông tin thẻ căn cước công dân gắn chip và các loại giấy tờ cá nhân đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch, giải quyết TTHC; thực hiện thông báo lưu trú, phản ánh kiến nghị về an ninh trật tự, khai báo y tế thông qua ứng dụng VNeID… góp phần thúc đẩy phát triển công dân số, phục vụ hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo thống kê đến ngày 12/5/2023, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ mới đăng ký, phê duyệt được 45.214 trường hợp và kích hoạt 14.478 tài khoản định danh điện tử (đạt 32,02%), chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra.

 

Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc.

 

Thực hiện Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, tại Công văn số 1510/UBND-KTTH ngày 25/5, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố quán triệt việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

 

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định các vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; thực hiện việc luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tiếp tục chủ động rà soát, nắm bắt tình hình để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn, bảo đảm hiệu quả, kịp thời, thực chất.

 

Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời động viên, khuyến khích và bảo vệ các tập thể, cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, đơn giản hóa TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

 

Từ ngày 01/6/2023, không yêu cầu người dân cung cấp lại thông tin đã được số hóa lưu giữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia. Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp các giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú cho người dân như Sơ yếu lý lịch, Giấy chứng nhận, Giấy giới thiệu...

 

Ủy quyền UBND các huyện, thành phố quyết định giá đất cụ thể.

 

Tại Quyết định số 245/QĐ-UBND ngày 25/5, UBND tỉnh ủy quyền UBND các huyện và thành phố Kon Tum thực hiện các nhiệm vụ: (1) Quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ giá đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; (2) Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất.

 

UBND tỉnh giao các huyện và thành phố Kon Tum có trách nhiệm phê duyệt giá đất cụ thể đối với các trường hợp được ủy quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền; ban hành Kế hoạch định giá đất cụ thể để tổ chức xác định giá đất, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể đối với các trường hợp theo quy định của Quyết định này.

 

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thực hiện đến khi Luật đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành.

 

Đẩy mạnh công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả mùa khô và cả năm 2023.

 

Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Để đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, tại Công văn số 1542/UBND-HTKT ngày 26/5, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp tiết kiệm điện và triển khai ngay để góp phần giảm căng thẳng trong cung ứng điện trên địa bàn tỉnh; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc; Phối hợp với Công ty Điện lực Kon Tum, Sở Công Thương báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và đề xuất khen thưởng các bộ phận, cá nhân làm tốt.

 

UBND tỉnh giao Công ty Điện lực Kon Tum xây dựng chi tiết phương án đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh mùa khô và cả năm 2023; Đảm bảo cung cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng năm 2023 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định của UBND tỉnh. Trong trường hợp phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện đến khách hàng theo quy định; Chỉ đạo Điện lực các huyện, thành phố làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp là trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất để vận động, khuyến khích các khách hàng này sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) nhằm chủ động thêm nguồn cung cấp điện, đồng thời tuyên truyền các giải pháp tiết kiệm điện phù hợp tương ứng với từng đối tượng khách hàng này để nâng cao hiệu quả hoạt động.

 

Yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ thông tin, truyên truyền triển khai ngay các nhiệm vụ được giao trong triển khai các giải pháp cấp bách tiết kiệm điện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức Nhân dân về tình hình khó khăn trong cung cấp điện hiện nay, tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt để đảm bảo an toàn, ổn định trong cung ứng điện trên địa bàn tỉnh.

 

Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Kon Plông.

 

Tại Quyết định 249/QĐ-UBND ngày 26/5, UBND tỉnh ban hành Quyết định 249/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Kon Plông, với các chỉ tiêu chủ yếu: (1) Diện tích các loại đất phân bổ trong năm kế hoạch 137.124,57 ha (trong đó: đất nông nghiệp 131.197,21 ha; đất phi nông nghiệp 5.133,40 ha; đất chưa sử dụng 793,96 ha); (2) Kế hoạch thu hồi các loại đất 470,56 ha (trong đó: đất nông nghiệp 439,69 ha; đất phi nông nghiệp 29,17 ha; đất chưa sử dụng 1,70 ha; (3) Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất 457,52 ha (đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp); (4) Kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng 4,27 ha (chuyển sang đất phi nông nghiệp).

 

UBND tỉnh UBND huyện Kon Plông công bố công khai kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định; thực hiện nghiêm túc kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý, sử dụng đất đúng theo kế hoạch. Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, chỉ được tổ chức thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi đảm bảo các quy định của pháp luật, phù hợp với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của cấp huyện; tuyệt đối không được hợp thức hoá đối với những diện tích đất vi phạm pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

 

Thái Ninh