Thứ 7, Ngày 27/07/2024 -

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thăm, làm việc với bà con làng Le, xã Mô Rai
Ngày đăng: 23/05/2023  21:28
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 23/5, đồng chí Dương Văn Trang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác của tỉnh, huyện Sa Thầy đã đến thăm và làm việc với bà con làng Le, xã Mô Rai.

 

Bà con Rơ Măm đón Bí thư Tỉnh uỷ và đoàn công tác tới thăm làng

 

Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Huỳnh Quốc Huy - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Thanh Hà - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Sa Thầy, xã Mô Rai và bà con làng Le.

 

Bà con Rơ Măm làng Le tham dự buổi làm việc

 

Làng Le có tổng diện tích tự nhiên 5.839 ha (đất ở 100,5 ha, đất nông nghiệp 465,2 ha, đất lâm nghiệp 5.273,3ha); 222 hộ/704 khẩu (dân tộc Rơ Măm chiếm đa số với 178 hộ/536 khẩu). Thu nhập bình quân đầu người 25,5 triệu đồng/năm. Làng còn 46 hộ nghèo (chiếm 20,7%), 27 hộ cận nghèo (chiếm 12,2%). Chi bộ làng có 25 đảng viên.  

 

Toàn làng có 98,5 ha cây trồng hàng năm (lúa 48,3 ha, sắn 50 ha….); 264,5ha cây lâu năm (cao su tiểu điền 141ha, điều 108 ha, bời lời 06 ha, cà phê 3,5 ha và ăn quả 06 ha); 1.817 con gia súc, gia cầm (trâu 59 con, bò 360 con, dê 98 con, heo 320 con, đàn gia cầm 980 con). Làng có mô hình phụ nữ DTTS chăn nuôi bò sinh sản, có 12 chị em tham gia, với 24 con bò hiện đang phát triển tốt. Làng có 74 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với 1.142,8 ha.

 

Làng đạt 04/10 tiêu chí (06 tiêu chí chưa đạt về giao thông, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa- giáo dục- y tế; môi trường và an toàn thực phẩm). Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Làng có 1 điểm trường tiểu học và mầm non với 85 học sinh; 9 em đang theo học trung cấp, cao đẳng, đại học; 14 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Rơ Măm đang công tác tại các cơ quan nhà nước từ xã tới tỉnh.

 

Bà con làng Le tích cực bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; đã phục dựng lại Lễ hội mở kho lúa - đây là lễ tục lớn của người Rơ Măm; tổ chức các lễ hội truyền thống như Lễ đâm trâu, mừng lúa mới; mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ thanh niên trong làng. Làng có 03 bộ cồng chiêng của tập thể, 34 bộ cồng chiêng của cá nhân và trên 80 người biết đánh cồng, chiêng.

 

Làng có 52 người làm công nhân cho Công ty 78 và Công ty Duy Tân; 58 hộ nghèo, cận nghèo và hộ vừa thoát nghèo vay vốn phát triển kinh tế trên 2,5 tỷ đồng. Năm 2022, giảm được 7 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo.

 

Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" và tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp được thực hiện tích cực; xóa bỏ hoàn toàn 04 hủ tục, phong tục không còn phù hợp.  

 

Quang cảnh buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, bà con làng Le kiến nghị Bí thư Tỉnh uỷ và đoàn công tác quan tâm chỉ đạo sớm triển khai đầu tư sửa chữa nhà rông của làng; xem xét có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm về tiếng nói, chữ viết, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Rơ Măm để làm tài liệu truyền dạy cho các thế hệ trong tương lai.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kết luận buổi làm việc

 

Sau khi nghe bà con dân làng và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trao đổi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thay mặt Thường trực Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn Trang ghi nhận những những kết quả nhân dân làng Le đạt được. Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn Trang biểu dương những cố gắng của bà con Rơ Măm trong phát triển kinh tế, xã hội, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị thời gian tới, bà con tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tích cực hăng hái lao động sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Đồng thời, mong muốn bà con Rơ Măm cố gắng giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc riêng có của mình, từng bước xoá bỏ các hủ tục lạc hậu… để làng Le trở thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá tiêu biểu của tỉnh bởi đây là 1 trong 10 dân tộc ít người nhất trong cả nước.

 

Đồng chí đề nghị huyện Sa Thầy, xã Mô Rai tiếp tục tăng cường tuyên truyền Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; vận động bà con cải tạo vườn tạp, giữ gìn khuôn viên sinh hoạt sạch sẽ, gọn gàng. Phấn đấu năm 2023 có 10 hộ thoát nghèo - để đạt được mục tiêu cả hệ thống chính trị của huyện, xã phải vào cuộc giúp bà con, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chăn nuôi trâu bò trở thành hàng hoá, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

 

Về xây dựng NTM, hiện làng còn 6/10 tiêu chí chưa đạt, đồng chí đề nghị năm 2023 phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí, năm 2024 đạt thêm 2 tiêu chí để năm 2025 đạt 10/10 tiêu chí NTM - về đích thôn NTM. Đồng chí đề nghị các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, tổ chức triển khai hiệu quả các dự án trên địa bàn làng Le, mang lại lợi ích cho người dân. UBMTTQVN tỉnh và các đơn vị liên quan, quan tâm hỗ trợ 06 hộ dân của làng hiện đang khó khăn về nhà ở sớm có nhà ở ổn định. 

 

Bí thư Tỉnh uỷ giao xã Mô Rai và huyện Sa Thầy làm việc với các công ty cao su trên địa bàn tạo điều kiện cho 30 người dân trong làng có nguyện vọng được vào làm công nhân cao su; mong muốn chính quyền địa phương quan tâm bồi dưỡng cồng chiêng, múa xoang để phong trào văn hoá của làng ngày càng phát triển…

 

Bí thư Tỉnh uỷ và đoàn công tác tặng quà cho bà con Rơ Măm làng Le

Dương Nương