Thứ 4, Ngày 21/05/2025 -
Cùng với việc triển khai Luật Cư trú và Đề án "phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và các địa phương mình nhằm bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Cụ thể đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 về đẩy mạnh thực hiện Đề án 06; Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 về việc chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; Thông báo số 74/TB-VPCP ngày 14/3 về Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 01/3/2023 về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Luật Cư trú và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ…
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai công bố, công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính; hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ; nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu số hóa, lưu trữ, xử lý thông tin, dữ liệu điện tử; hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, mẫu đơn, tờ khai điện tử trên cơ sở khai thác, tái sử dụng thông tin dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cần được các bộ, ngành quan tâm giải quyết để đảm bảo việc bỏ sổ hộ khẩu thực sự đem lại lợi ích cho người dân. Có thể thống kê một số khó khăn, vướng mắc như:
Việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực Tư pháp: Sau khi có quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì không yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính thay vào đó là giấy xác nhận thông tin cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân trong cơ sở dữ liệu dân cư. Tuy nhiên giấy xác nhận thông tin cư trú chỉ có thời hạn trong vòng 01 tháng, do đó người dân phải đi xin cấp giấy này nhiều lần gây mất thời gian và tiền bạc. Một số trường hợp công dân đã được cấp Căn cước công dân nhưng khi công chức tiếp nhận thực hiện tra cứu thì không có thông tin trên Hệ thống. Bên cạnh đó, việc không dùng sổ hộ khẩu dẫn đến tình trạng không xác định được khoảng thời gian cư trú để có căn cứ xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân trong từng thời điểm. Trên căn cước công dân không thể hiện phần Dân tộc của công dân, muốn xác định phải tiến hành kiểm tra danh tính số của công dân, làm kéo dài thời gian giải quyết.
Việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai: Hiện nay, một số thủ tục hành chính về đất đai như: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất: Tại Khoản 1, Điều 101, Luật Đất đai năm 2013: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý nợ hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, của nhóm người sử dụng đất.
Tại điểm d, khoản 5, Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: Trường hợp phân chia hoặc hợp nhất quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của tổ chức phải có văn bản chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức theo quy định của pháp luật; trường hợp phân chia hoặc hợp nhất quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải có sổ hộ khẩu kèm theo; trường h ợp phân chia hoặc hợp nhất quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ và chồng phải có sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận kết hôn hoặc ly hôn kèm theo.
Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
Tại điểm c, khoản 6, Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: Một trong các giấy tờ liên quan đến nội dung biến động: (i) Văn bản công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với trường hợp cá nhân hoặc người đại diện h ộ gia đình thay đổi họ, tên; (ii) Bản sao sổ hộ khẩu đối với trường hợp thay đổi người đại diện là chủ hộ gia đình; văn bản thỏa thuận của hộ gia đình được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp thay đổi người đại diện là thành viên khác trong hộ; (iii) Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy chứng minh quân đội và sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân của người có tên trên Giấy chứng nhận.
Theo một số quy định viện dẫn trên, sổ hộ khẩu là một trong những thành phần của hồ sơ để xác định thời điểm sử dụng đất của người sử dụng đất; số thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thời điểm sử dụng đất của vợ, chồng; làm căn cứ để xác định miễn thuế thu nhập cá nhân khi tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất. Đối với các trường hợp công dân có giấy chứng nhận QSD đất mà tên chủ sử dụng ghi trên giấy là hộ ông (bà):..... thì khi thực hiện các giao dịch có liên quan đến QSD đất (Chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp...) bắt buộc công dân phải kê khai đúng các thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận QSD đất để thực hiện giao dịch (xác lập các hợp đồng giao dịch). Dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện tại chỉ cung cấp được thông tin cá nhân tại thời điểm hiện tại chứ không cung cấp được thông tin cá nhân liên quan đến hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận QSD đất. Vì vậy, công dân thường phải xin UBND xã nơi cấp Hộ khẩu vào thời điểm cấp giấy xác nhận thành viên của hộ, điều này gây khó cho công dân và UBND xã khi làm thủ tục xác nhận trước khi thực hiện các giao dịch có liên quan đến giấy chứng nhận QSD đất.
Cơ sở dữ liệu về dân cư chỉ thể hiện, chia sẻ và cung cấp được dữ liệu về nhân thân của cá nhân, của hộ gia đình tại thời điểm từ ngày 1/7/2021 đến nay mà không cung cấp được dữ liệu biến động về Sổ Hộ khẩu, cũng như thông tin về Sổ Hộ khẩu đã được cấp trước ngày 01/7/2021. Điều này dẫn tới khi phải sử dụng thông tin về Sổ Hộ khẩu đã được cấp trước ngày 01/7/2021 mà người dân đã bị thu hồi Sổ Hộ khẩu, sẽ không đủ thành phần hồ sơ để thực hiện TTHC về đất đai cũng như xác định các thành viên trong hộ tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định làm căn cứ để phân chia quyền sử dụng đất cho các thành viên trong hộ; giải quyết hồ sơ chuyển quyền khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ…
Về giải quyết các thủ tục an sinh xã hội cho người dân, Giấy xác nhận thông tin nơi cư trú thay thế cho Sổ hộ khẩu giấy. Tuy nhiên, thủ tục xin xác nhận nơi cư trú phải giải quyết qua dịch vụ công và người dân phải khai các thông tin để được làm giấy xác nhận thông tin nơi cư trú. Một số người dân trình độ dân trí chưa cao thì không thể cung cấp đầy đủ thông tin để làm được xác nhận thông tin nơi cư trú hộ gia đình.Với lại, thời hạn sử dụng của giấy xác nhận thông tin nơi cư trú ngắn nên khó khăn trong giải quyết các hồ sơ của công dân.
Khi làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân: Thủ tục này có yêu cầu đề nghị xác nhận quảng thời gian công dân đó đến thường trú và chuyển khẩu đến địa phương khác. Tuy nhiên, hiện trên Cơ sở dữ liệu dân cư chưa cung cấp được nội dung đó mà công dân phải đến cơ quan công an cấp xã xin giấy xác nhận thông tin cư trú để thực hiện cung cấp thông tin cá nhân của mình liên quan đến quá trình thời gian sinh sống của bản thân…
Có thể nói, việc triển khai Đề án 06 và triển khai bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo Luật Cư trú là một bước tiến vượt bậc trong giải quyết thủ tục hành chính mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân; đây là quá trình chuyển đổi lớn của nền hành chính nhằm xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Để đạt được hiệu quả thiết nghĩ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương phải thật sự quyết liệt, với quyết tâm cao trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt cần hoàn thành ngay việc sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến sổ hộ khẩu. Bên cạnh đó phải nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, trong đó ưu tiên dữ liệu về hộ tịch, dữ liệu về đất đai, các dữ liệu trên phải đảm bảo kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cán bộ, công chức khai thác, sử dụng trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan