Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng
Ngày đăng: 23/03/2023  10:02
Mặc định Cỡ chữ
Sau nhiều tháng không mưa cộng với thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài đã khiến cho hàng ngàn ha rừng của tỉnh đang phải đối diện với nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Chính quyền các cấp, lực lượng chức năng, chủ rừng và người dân đã và đang triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

 

Khô hanh, nắng nóng, thực bì khô nhiều, làm nhiều cánh rừng có nguy cơ xảy ra cháy

 

Theo thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến ngày 21/3, toàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố nằm trong cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm. Cụ thể là các khu vực: Huyện Ia H’rai, huyện Sa Thầy; các xã Ia Chim, Hòa Bình, Chư Hreng, Đăk Rơ Wa, Đăk Blà, Đăk Cấm của thành phố Kon Tum; huyện Kon Rẫy, huyện Đăk Hà; huyện Đăk Tô, huyện Ngọc Hồi; các xã Đăk Long, Đăk Môn, Đăk Kroong, thị trấn Đăk Glei của huyện Đắk Glei đang  Cấp V - Cấp cực kỳ nguy hiểm, thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng.

 

Các khu vực: huyện Kon Plông, huyện Tu Mơ Rông; các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Xốp, Đăk Man, Đăk Pék, Đăk Plô, Đăk Nhoong của huyện Đăk Glei hiện đang nằm trong cảnh báo cấp IV - cấp nguy hiểm, với tình hình thời tiết khô hanh, hạn kéo dài thì nguy cơ xảy ra cháy rừng cũng rất lớn v tốc độ lan tràn lửa nhanh.

 

Ông Võ Sỹ Chung - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Để phòng, chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện chỉ đạo Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ và phát triển rừng cấp xã và các chủ rừng theo chức năng nhiệm vụ tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy, đảm bảo 24/24h trong ngày, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng, cấm các hoạt động đốt dọn nương rẫy, thực bì, đốt giảm vật liệu cháy trong rừng.

 

Đồng thời, tham mưu chính quyền địa phương thực hiện công tác PCCCR; các đơn vị chủ rừng thực hiện Phương án PCCCR. Thông tin cảnh báo liên tục, kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn, bố trí trực PCCCR, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Khi xảy ra cháy rừng, phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay đám cháy, không để cháy lan trên diện rộng; nếu đám cháy vượt quá tầm kiểm soát phải báo cáo ngay về Ban chỉ đạo cấp tỉnh để được hỗ trợ kịp thời.

 

Ngoài diễn biến thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài thì hiện nay cũng là thời điểm người dân đốt nương làm rẫy nên càng dễ gây ra cháy rừng. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng và người dân tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng chống cháy rừng; mới đây, UBND tỉnh có văn bản 717/UBND-NNTN ngày 17/3 yêu cầu các sở, ban ngành thuộc tỉnh; các đơn vị LLVT; UBND các huyện, thành phố; các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp; Công ty TNHH MTV nguyên liệu giấy Miền Nam và các đơn vị trồng cao su trên đất lâm nghiệp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

 

Trong đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các Tổ công tác đi thực tế kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa phương và các đơn vị chủ rừng, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm, xung yếu về cháy rừng; kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

 

Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng và các sở, ban ngành có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Phương án PCCCR đã được phê duyệt; trọng tâm là Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 28/12/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh và Thông báo số 5315/TB-VP ngày 15/12/2022 của Văn phòng UBND tỉnh.

 

Trong đó, lưu ý chú trọng thực hiện nghiêm túc công tác PCCCR, bố trí lực lượng trực PCCCR theo quy định; tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện và xử lý đám cháy ngay từ ban đầu; trường hợp đám cháy vượt quá khả năng kiểm soát của cơ sở, báo cáo về Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (Chi cục Kiểm lâm) để tham mưu cấp có thẩm quyền huy động lực lượng ứng cứu kịp thời. Quan điểm là phát hiện kịp thời, ngăn chặn từ sớm và có hiệu quả, hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

 

Khẩn trương đôn đốc việc phát, thu gom vật liệu cháy, bổ sung biển báo cấm lửa, biển báo cấm chặt phá, cấm chăn thả gia súc, cấm các hoạt động sản xuất nương rẫy (đặc biệt chú trọng tại các khu vực rừng trồng đang trong thời kỳ chăm sóc; các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng).

 

Thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị và trực phòng cháy chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng đảm bảo theo quy định, nhất là đối với các vùng có nguy cơ cháy rừng cao. Theo dõi thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan để có giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia ứng cứu, chữa cháy... khi có cháy rừng xảy ra.

 

Khi có các vi phạm Luật Lâm nghiệp và cháy rừng xảy ra, tổ chức kiểm tra, xác minh, xác định rõ nguyên nhân, các đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan khi để các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và cháy rừng xảy ra nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Người đứng đầu các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm chính đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

 

Toàn tỉnh hiện có hơn 610.600ha rừng. Thời gian qua, do thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy rừng trồng bạch đàn tại khoảnh 1, tiểu khu 596 thuộc địa bàn xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy của Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam vào ngày 7/3 khiến 2 nhân viên tử vong. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, mùa khô còn có thể kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao nên các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng vẫn được triển khai quyết liệt từ các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp, chủ rừng và người dân trên địa bàn.    

 

Dương Nương