Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Quốc hội: Chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát
Ngày đăng: 20/03/2023  10:47
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 20/3, tại phiên thường kỳ tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và lĩnh vực kiểm sát để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng chí Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước tới dự. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành và phát biểu mở đầu phiên chất vấn.

 

Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: U Huấn – Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Tô Văn Tám – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; Phạm Đình Thanh – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; Nghe Minh Hồng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Ngọc Sâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 

Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với sự tham gia của Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tòa án cấp cao, tòa án quân sự và nhiều đại biểu có liên quan.

 

Phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

 

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hộ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngành tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 

Đồng thời, bày tỏ tin tưởng, qua phiên chất vấn sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới; nhất là phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành cơ bản mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” như Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII đã xác định.

 

Tại phiên chất vấn buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận một cách thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao, góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất được các giải pháp phù hợp, hữu hiệu đối với ngành Toà án.

 

Các đại biểu tập trung chất vấn 04 nhóm vấn đề: (1) Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; (2) Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án; (3) Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; (4) Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

 

Trong thời gian qua, số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp (so với cùng kỳ của 05 năm trước, số lượng các vụ án phải giải quyết tăng 507.849 vụ, đặc biệt năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước); chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên; tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp; hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; các phản ánh vướng mắc gửi về TAND Tối cao còn chậm; một số vấn đề cần ban hành quy phạm pháp luật có nội dung chuyên sâu, phức tạp hoặc thực tiễn chưa phát sinh còn chưa kịp thời; quy trình lựa chọn và phát triển án lệ vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, số lượng án lệ được ban hành trong một số lĩnh vực còn ít; việc đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ còn hạn chế…

 

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung chất vấn các nhóm vấn đề về lĩnh vực Kiểm sát. Trong quá trình chất vấn, Chủ tọa mời thêm một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm vấn đề chất vấn. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.

 

Dương Nương