Thứ 3, Ngày 20/05/2025 -
![]() |
Ảnh minh họa |
1. Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Nghị định gồm 04 Điều: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian xử lý và tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023. Bãi bỏ điểm b khoản 2 Điều 12; điểm d khoản 6 Điều 18; điểm b khoản 2 Điều 30 về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư.
2. Nghị định số 72/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP.
Nghị định gồm 04 Điều: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Bãi bỏ điểm đ khoản 4 Điều 2; khoản 5 Điều 9, điểm b khoản 2 Điều 13, khoản 3 Điều 14, khoản 4 Điều 15 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP Chính phủ; Bãi bỏ khoản 9, 12, 15, 16 và 17 Điều 1 Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC trong hoạt động in trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có kết quả được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ để hoàn thành; Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, cơ sở in là chi nhánh phải làm thủ tục cấp giấy phép hoạt động in, xác nhận đăng ký hoạt động in.
3. Nghị định số 79/2022/NĐ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.
Theo Nghị định, Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ có chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia; kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2022; thay thế Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.
4. Nghị định số 80/2022/NĐ-CP ngày 13/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Bãi bỏ, thay đổi một số điểm, khoản của Nghị định số 35/2016/NĐ-CPcủa Chính phủ.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (13/10/2022); Đối với các hồ sơ đã tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực, thực hiện theo quy định của Nghị định số 35/2016/NĐ-CP.
5. Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14/10/2022 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
Theo Nghị định, Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2022; Thay thế Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao và Nghị định số 29/2020/NĐ-CP ngày 03/3/2020 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 26/2017/NĐ-CP.
6. Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
Nghị định gồm 03 Điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Thay thế, bãi bỏ một số nội dung của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2022; khoản 14 Điều 1 Nghị định này sửa đổi Điều 27 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
7. Nghị định số 83/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/10/2022 Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Theo đó, cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh: Phó Trưởng ban, cơ quan Đảng ở trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Thứ trưởng, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Phó trưởng các tổ chức CTXH ở trung ương; Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Trưởng ban Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các Ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban TVTU, thành ủy là người dân tộc thiểu số. Thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không vượt quá 60 tuổi.
Đối với công chức được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022; thay thế Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức và Nghị định số 104/2020/NĐ-CP ngày 04/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP.
8. Nghị định số 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 của Chính phủ về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.
Nghị định gồm 04 Chương, 14 Điều; áp dụng đối với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hỗ trợ nguồn tài chính cho Quỹ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập và hoạt động Quỹ bảo tồn di sản Huế.
Theo Nghị định, Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ. Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022.
9. Nghị định số 85/2022/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Nghị định gồm 3 Chương, 13 Điều. Quy định về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu ký giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Công ty trách nhiệm hữu hạn lọc hóa dầu Nghi Sơn, thực hiện điểm 4 Nghị quyết số 42/2021/QH15 của Quốc hội, bao gồm: xác định nhu cầu và nguyên tắc Nhà nước xử lý tài chính; lập dự toán, kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước và xử lý chênh lệch giữa doanh thu với chi phí đầu vào của hoạt động bao tiêu sản phẩm của Dự án khi xác định kết quả kinh doanh hằng năm của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và hết hiệu lực kể từ ngày hoàn thành quyết toán ngân sách nhà nước sổ tiền đề nghị Nhà nước xử lý tài chính cho PVN theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan (bao gồm xử lý đối với sản lượng tồn kho tại thời điểm kết thúc nghĩa vụ bù giá cho Công ty LHD Nghi Sơn).
10. Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Nghị định, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên về: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2022; thay thế Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
11. Nghị định số 87/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam.
Theo Nghị định, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.
Thông tấn xã Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí, xuất bản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2022; thay thế Nghị định số 118/2017/NĐ-CP ngày 26/10/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam.
12. Nghị định số 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/10/2022 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Nghị định gồm 04 Chương, 45 Điều. Quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (sau đây gọi là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp).
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022. Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
13. Nghị định số 89/2022/NĐ-CP ngày 28/8/2022 của Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: Tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch; kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; đấu thầu; thống kê; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2022; thay thế Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
14. Nghị định số 90/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.
Nghị định gồm 04 Chương, 14 Điều. Áp dụng đối với Bộ Ngoại giao và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại; Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài và đối tượng khác được phía Việt Nam bố trí, cho thuê nhà, đất phục vụ đối ngoại để sử dụng làm trụ sở, nhà ở tại Việt Nam; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2022. Bãi bỏ Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg ngày 06/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.
15. Quyết định số 20/2022/QĐ-TTg ngày 12/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Quyết định thí điểm phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
UBND tỉnh Khánh Hòa khi tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị theo thí điểm phân cấp phải đảm bảo tuân thủ các quy định về căn cứ, nguyên tắc, điều kiện điều chỉnh cục bộ, nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại pháp luật quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; các nội dung điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, chức năng, quy mô, ranh giới, định hướng phát triển chung của khu chức năng, của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn khác có liên quan.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và hết hiệu lực khi Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa hết hiệu lực thi hành./.
Thái Ninh
Tin tức liên quan