Thứ 4, Ngày 21/05/2025 -

[INFOGRAPHIC] Các khóa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ngày đăng: 20/05/2021  23:07
Mặc định Cỡ chữ

 

Quốc hội khóa I: Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập

 

Quốc hội khóa I là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ cộng hòa. Do điều kiện chiến tranh, nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài từ tháng 1/1946 đến tháng 5/1960 với 12 kỳ họp. Quốc hội khóa I đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa miền Bắc vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

 

Quốc hội Khóa II: Xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà

 

Quốc hội khóa II hoạt động trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, đã góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất nước nhà. Quốc hội khóa II kéo dài 4 năm (1960-1964) với 8 kỳ họp.

 

 

Quốc hội khóa III: Quốc hội của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước

 

Quốc hội khoá III được tổ chức theo Hiến pháp năm 1959, là Quốc hội của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Quốc hội đã có những quyết sách phù hợp nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Quốc hội khóa III kéo dài 7 năm (1964-1971) với 7 kỳ họp.

 

 

Quốc hội khóa IV: Tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng

 

Quốc hội khóa IV (1971-1975) tiếp tục động viên quân và dân thực hiện 2 nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam trong việc đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ năm 1972. Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa IV kéo dài 4 năm (1971-1975) với 5 kỳ họp.

 

 

Quốc hội khóa V: Quốc hội đầu tiên của thời kỳ xây dựng đất nước

 

Quốc hội khóa V đã phê chuẩn kết quả Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quốc hội quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, động viên nhân dân thi đua xây dựng đất nước, củng cố lực lượng quốc phòng, khẩn trương chuẩn bị thực hiện kế hoạch bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

 


Quốc hội khóa VI: Xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất của cả nước

 

Quốc hội khóa VI đã quyết định đường lối, chính sách chung, cơ cấu tổ chức bộ máy và bầu các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới. Quốc hội khóa VI đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất trong cả nước; trong đó có Hiến pháp 1980, mở đầu cho bước phát triển mới trong tiến trình đi lên của đất nước.

 

 

Quốc hội khóa VII: Đẩy mạnh hoạt động lập pháp, đáp ứng yêu cầu đổi mới

 

Quốc hội khóa VII được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1980. Hoạt động trong giai đoạn bắt đầu của công cuộc Đổi mới, Quốc hội khóa VII đã đẩy mạnh công tác lập pháp, tăng cường công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác để đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước. Quốc hội khóa VII kéo dài 6 năm (1981-1987) với 12 kỳ họp.

 


Quốc hội khóa VIII: Đổi mới toàn diện đất nước

 

Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng. Quốc hội khóa VIII đã họp 11 kỳ để xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội khóa VIII đã sửa đổi và ban hành Hiến pháp năm 1992, thông qua nhiều đạo luật và các văn bản pháp quy quan trọng thế chế hóa đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở nước ta.

 

 

Quốc hội khóa IX: Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước

 

Quốc hội khóa IX đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đổi mới của Ðảng theo tinh thần của Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VII. Quốc hội khóa IX kéo dài 5 năm (1992-1997) với 11 kỳ họp.

 

 

Quốc hội khóa X: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

 

Quốc hội khóa X là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quốc hội tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Quốc hội khóa X kéo dài 5 năm (1997-2002) với 11 kỳ họp.

 

 

Quốc hội khóa XI: Đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp

 

Quốc hội khóa XI là Quốc hội của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức của Quốc hội, đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp. Nhiệm kỳ của Quốc hội khoá XI kéo dài 5 năm (2002-2007) với 11 kỳ họp.

 

 

 

Quốc hội khóa XII: Tiếp tục đổi mới, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế

 

Qua 4 năm (2007-2011) với 9 kỳ họp, Quốc hội khóa XII đã thông qua 67 luật, 13 nghị quyết Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 14 pháp lệnh và 9 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó, đáng chú ý là phần lớn các văn bản được ban hành hoặc là sửa mới hoặc sửa một cách toàn diện.

 

 

Quốc hội khóa XIII: Dấu ấn nổi bật trong hoạt động lập hiến, lập pháp

 

Thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là đã thông qua bản sửa đổi Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 2013). Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo ra động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII kéo dài 05 năm (2011-2016) với 11 kỳ họp.

 

 

Quốc hội khóa XIV: Nâng cao chất lượng công tác lập pháp, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước

 

Quốc hội khóa XIV (2016-2021) tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Quốc hội khóa XIV đã thông qua 72 luật, 135 nghị quyết. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 pháp lệnh.

 

 

Theo Thông tấn xã Việt Nam (https://vnanet.vn)