Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tuần từ ngày 10 - 14/5/2021
Ngày đăng: 15/05/2021  18:36
Mặc định Cỡ chữ
Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19; Tăng cường công tác đấu thầu mua sắm, sửa chữa trang thiết bị thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Ban hành mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2020; Triển khai công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 10-14/5/2021.

 

Ảnh minh họa

 

1. Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp

 

Triển khai ý kiến của Bộ Công Thương về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch theo quy định tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; chấn chỉnh kịp thời đối với các đơn vị có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ đạo phối hợp xử lý nghiêm người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

 

Giao Sở Công Thương chủ động đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý; bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. Đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

 

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại quy trình cách ly và kiểm soát sau cách ly tại địa phương đối với những đối tượng nhập cảnh là chuyên gia, lao động nước ngoài, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về cách ly phòng, chống dịch, không để xuất hiện lây lan diện rộng trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

2. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19

 

Xét đề nghị của Sở Y tế về việc tăng cường kiểm tra, xử lý không chấp hành đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc việc bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và nơi công cộng theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành Y tế; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K phòng chống dịch của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế). Tiếp tục không tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực sự thiết yếu, có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19.

 

Giao Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật những trường hợp không chấp hành các nội dung quy định của phòng chống dịch COVID-19 từ 00giờ, ngày 11/5/2021. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả xử lý trong ngày trước 09h của ngày hôm sau.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc các cá nhân, tổ chức, cơ sở... trên địa bàn chấp hành các nội dung quy định của phòng, chống dịch COVID-19; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra trường hợp vi phạm.

 

3. Tăng cường công tác đấu thầu mua sắm, sửa chữa trang thiết bị thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo

 

Để kịp thời khắc phục tình trạng đơn thư kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu đối với một số gói thầu mua sắm, sửa chữa trang thiết bị thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đồng thời chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, thực hiện đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định; Chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm; Quy định rõ trách nhiệm của tư vấn đấu thầu, các điều kiện ràng buộc khi tư vấn đấu thầu vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ tại hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với tư vấn đấu thầu.

 

Khi xây dựng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không được đưa ra các điều kiện (ngoài các điều kiện bắt buộc) nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.… Giải quyết kịp thời, thấu đáo các kiến nghị, phản ánh nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, không để xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại kéo dài, vượt cấp; không đẩy trách nhiệm cho các ngành giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu mà thuộc trách nhiệm của mình. Chỉ thực hiện ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu khi đảm theo các quy định của pháp luật.

 

4. Mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2020 trên địa bàn tỉnh

 

Tại Quyết định số 367/QĐ-UBND ngày 13/5/2021, UBND tỉnh ban hành mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum với mức chi hỗ trợ tối đa không quá 200.000 đồng/người/ngày làm việc; không quá 400.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ, tết (đối với các đơn vị, địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện xong quyết toán kinh phí năm 2020 với mức chi hỗ trợ thực tế thấp hơn 200.000 đồng/người/ngày làm việc; 400.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ, tết, thì không thực hiện chi trả thêm phần chênh lệch giữa mức chi đơn vị, địa phương đã thực hiện so với mức chi này).

 

Đối tượng áp dụng: Cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống dịch bệnh động vật; thực hiện việc tiêu hủy lợn, phun hóa chất khử trùng tiêu độc, phục vụ tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật; trực phòng, chống dịch bệnh tại các cơ quan, đơn vị và tham gia triển khai các nhiệm vụ tại cơ sở; thống kê đàn vật nuôi, xác định, xác nhận thiệt hại do dịch bệnh (gọi chung là người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật) trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Kính phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước giao hàng năm theo phân cấp hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

 

5. Triển khai công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới

 

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố quán triệt, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội để toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh biết, triển khai thực hiện.

 

Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch; phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, rửa tiền, ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội tại các địa bàn trọng điểm về du lịch, tạo môi trường lành mạnh, an toàn góp phần phát triển du lịch bền vững.

 

Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, vai trò của người đứng đầu địa phương trong xây dựng, triển khai các giải pháp về bảo đảm an ninh du lịch. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn hoạt động của nước ngoài tác động vào nội bộ qua đường du lịch; phòng, chống tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng điển hình tiên tiến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, điểm du lịch trên địa bàn; tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trong lĩnh vực du lịch, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và xử lý nghiêm sai phạm gây cản trở sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhất là công dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương ra nước ngoài du lịch. Tăng cường hợp tác, trao đổi học tập kinh nghiệm của các các địa phương và các nước phát triển trong công tác quản lý hoạt động du lịch và kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn.

 

Bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nhất là đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức và nhân viên điều hành, hướng dẫn viên du lịch...; đồng thời lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng, ý thức bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực dự báo, chủ động có phương án, giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

 

6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh

 

Triển khai hướng dẫn của Bộ Nội vụ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ; UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hội, quỹ. Triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác hội, quỹ; hướng dẫn các tổ chức hội xây dựng đề án thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao làm cơ sở để ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện theo quy định; kịp thời có ý kiến đối với nhân sự tham gia hội, quỹ thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị, địa phương theo phân cấp quản lý cán bộ.

 

Quản lý tốt việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; việc tiếp nhận tài trợ, viện trợ; việc thành lập pháp nhân trực thuộc, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, đảm bảo an ninh trật tự đối với các hội, quỹ thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ đối với các hội, quỹ; đảm bảo các hội, quỹ hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và Sở Nội vụ trong công tác tham mưu quản lý nhà nước về hội, quỹ; đảm bảo thực hiện các thủ tục về hội, quỹ trên địa bàn tỉnh theo quy định. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hội, quỹ lưu trữ tại sở, ngành, địa phương.

 

UBND tỉnh đề nghị các hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấp hành các quy định của pháp luật về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hội hoạt động. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện./.

 

Thái Ninh