Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Phát triển vùng dược liệu và sản phẩm đặc hữu Sâm Ngọc Linh Kon Tum
Ngày đăng: 13/12/2020  21:40
Mặc định Cỡ chữ
Với lợi thế và giá trị mang lại của vùng dược liệu, cũng như nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình, Huyện ủy Tu Mơ Rông đã ban hành Nghị quyết và UBND huyện đã xây dựng đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn, cùng với các chủ trương của tỉnh làm cơ sở, động lực cho huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển dược liệu, bước đầu tạo ra được những kết quả nhất định, đã và đang hình thành vùng dược liệu và sản phẩm đặc hữu Sâm Ngọc Linh KonTum.

Vườn Sâm Ngọc Linh giống của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum

được trồng tại huyện Tu Mơ Rông

 

Tu Mơ Rông nằm về phía đông bắc tỉnh Kon Tum với những đặc điểm về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo điều kiện tự nhiên thuận lợi cho các thảm thực vật nhiệt đới phát triển, rất nhiều loài dược liệu quý hiếm, mang giá trị y dược cao được hình thành và phát triển như Đảng Sâm (còn gọi là sâm dây), Sơn Tra, Ngũ Vị Tử, Lan Kim Tuyến... Đặc biệt là Sâm Ngọc Linh, một loài sâm quý nhất của thế giới. Với những phát hiện về tính chống stress, chống khối u đã giúp cho Sâm Ngọc Linh trở thành một cây sâm đáng chú ý cho những công trình nghiên cứu tiếp theo nhằm đưa nó vào ứng dụng trong việc điều trị các bệnh chứng phổ biến và hiểm nghèo của nhân loại. Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm Quốc gia.

 

Xác định Doanh nghiệp, Hợp tác xã là nòng cốt trong quá trình phát triển các sản phẩm dược liệu với nhiều sản phẩm được tạo ra như: trà lá, nước giải khát, bột Sâm dây; các sản phẩm ngâm Rượu Ngũ vị tử, Sâm dây, Sơn tra và các sản phẩm đóng gói hoặc bán thô như Sâm dây khô, Ngũ vị tử, Sơn tra, Lan kim tuyến, Đương quy...huyện đã tập trung chỉ đạo xúc tiến kêu gọi được 25 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

 

Hiện nay, trên toàn huyện đã có 814,87ha dược liệu; trong đó, Đảng sâm gần 126 ha, Sâm Ngọc Linh 625,2ha (Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh 500ha; Công ty Cổ phần Vin Gin 55ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô 19,28ha; Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông 5,6ha; Công ty Thái Hòa 20ha; Trung tâm Ươm tạo giống khoa học công nghệ 0,3ha; Nhân dân trồng 25ha; mô hình bảo tồn giống theo đề án của huyện 0,02ha).

 

Việc phát triển chiều sâu, tăng giá trị của sâm Ngọc Linh đặc biệt được tỉnh, huyện quan tâm, đã có 02 doanh nghiệp tham gia chế biến sâu tạo ra các sản phẩm đặc hữu có giá trị sử dụng và kinh tế cao từ cây Sâm Ngọc Linh: Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum với 7 sản phẩm đang có mặt trên thị trường, như: Dịch chiết Sâm Ngọc Linh K5, K5 Sâm Ngọc Linh mật ong, Sâm Ngọc Linh K5 - BLUE, Sâm Ngọc Linh K5 – GOLD, Sâm Ngọc Linh tươi K5, Trà lá Sâm Ngọc Linh K5, Sâm Ngọc Linh củ ngâm bình K5; Công ty Cổ phần Sâm  Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum có 2 sản phẩm là nước uống Collagen Sâm Ngọc Linh, Trà Sâm  Ngọc Linh hòa tan đang được giới thiệu ra thị trường. 

 

Qua nhiều năm triển khai, mặc dù diện tích dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng trên địa bàn có tăng nhưng việc phát triển còn hạn chế chưa đáp ứng tiềm năng và lợi thế của địa phương do nhiều nguyên nhân.

 

Thứ nhất là do nguồn lực đầu tư đặc thù để phát triển cây dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia thúc đẩy phát triển các loại cây dược liệu quý trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp chuyên sâu về chế biến dược liệu.

 

Tiếp đến là nguồn giống các loại cây dược liệu chưa được quản lý chặt chẽ, giá giống trên thị trường hiện khá cao, số lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu trồng mới cho diện tích đã quy hoạch; đã xuất hiện nhiều sản phẩm dược liệu mang thương hiệu của địa phương chưa được làm rõxuất xứ như Đảng Sâm Tu Mơ Rông, Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum.

 

Mặc dù giá trị thu nhập cao từ trồng cây dược liệu nhưng do yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu lớn, thị trường đầu ra chưa ổn định, doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến còn ít nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, do cơ sở hạ tầng còn thiếu, diện tích manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung nên cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

 

Công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm đã được tổ chức tích cực nhưng chưa mạnh, chưa rộng, sức lan tỏa chưa cao, các sản phẩm được chế biến sâu từ dược liệu trên địa bàn còn hạn chế về chủng loại, số lượng,thị phần và kênh phân phối nên giá trị kinh tế mang lại còn thấp so với tiềm năng thiên nhiên ưu đãi.

 

Để đạt mục tiêu tỉnh Kon Tum là trung tâm dược liệu của cả nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ dược liệu, huyện Tu Mơ Rông đã đề ra nhiều ra giải pháp “dài hơi” cho 5 năm tới.

 

Trong đó, sẽ tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế chính sách đã có, nhất là vấn đề huy động nguồn vốn, công nghệ và sự tham gia của các doanh nghiệp có tiềm lực trong liên kết trồng, thu mua, chế biến dược liệu, đa dạng hóa chủng loại, số lượng sản phẩm chế biến từ dược liệu. Hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ để liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất có đầu ra và sản xuất ra dược liệu có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn GACP-WHO từ sự đầu tư đầy đủ về giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái, sơ chế, bảo quản để cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến sâu.

 

Ngoài ra, đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất để phát triển dược liệu. Đồng thời tiếp tục triển khai thí điểm giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng để phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác nhằm đảm bảo lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân theo hướng người dân có đất và giữ rừng phải được hưởng lợi xứng đáng. Chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng để giữ rừng.

 

Xây dựng, hoàn thiện quy trình nhân giống, tổ chức nhân giống, từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng và nhân giống cho Nhân dân. Quản lý chặt chẽ nguồn giống gốc dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng, triển khai công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận nguồn giống gốc, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ đối với các vườn giống của các Công ty, Hợp tác xã và hộ gia đình đạt chuẩn tại từng địa phương để làm cơ sở bảo tồn, nhân giống và phát triển.

 

Tổ chức kê khai, thống kê, kiểm soát tốt nguồn Sâm Ngọc Linh trồng từ các doanh nghiệp, các hộ dân trên địa bàn để tiến hành xác nhận và quản lý chất lượng, làm cơ sở pháp lý cho việc công nhận nguồn giống, sản phẩm hợp pháp cung ứng ra thị trường.

 

Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc để đẩy mạnh phát triển du lịch, thông qua du lịch, các lễ hội, chợ, festival dược liệu và các hoạt động khác để thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ và phát triển các sản phẩm dược liệu. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng để có sự đầu tư tập trung, đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng với nhu cầu rất lớn hiện nay về sản lượng dược liệu; ưu tiên đầu tư nguồn lực chuyển hóa sản phẩm Sâm Ngọc Linh thành sản phẩm thương mại có giá trị gia tăng cao.

 

Dương Nương