Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Hội nghị tổng kết Đề án Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020
Ngày đăng: 23/11/2020  14:49
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 23/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án "Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020". Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các sở, ngành liên quan cùng các cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.

 

Quang cảnh hội nghị

 

Nhằm bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020, ngày 07/10/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1183/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020". Sau 05 năm thực hiện Đề án, công tác điều tra, nghiên cứu khoa học và tư liệu hóa một cách chi tiết, đồng bộ về di sản không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỉnh Kon Tum đã sưu tầm, ghi chép được 145 bài cồng chiêng của các dân tộc; toàn tỉnh có 2.134 bộ cồng chiêng tăng 218 bộ so với thời điểm năm 2015; có 74 nghệ nhân có những đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được chủ tịch nước vinh danh, phong tặng danh hiệu Nhà nước Nghệ nhân ưu tú".

 

Từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức được 103 lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, xoang, chỉnh âm cồng chiêng; phục dựng 15 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Lễ ăn lúa mới của dân tộc Brâu, Lễ bắc máng nước và lễ kiêng làng của dân tộc Xơ Đăng, Lễ an than của dân tộc Giẻ... các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được các cấp cấp, ngành, địa phương được tổ chức triển khai có hiệu quả, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân cũng như du khách trong và ngoài nước về tham dự, tìm hiểu.

 

Tuy nhiên, do sự giao thoa văn hóa, giữa lối sống hiện đại và truyền thống có sự đan xen đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi môi trường văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số trong đó có cả không gian văn hóa cồng chiêng;  chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dù đã được triển khai nhưng chủ yếu tập trung vào một số yếu tố nhỏ lẻ nên chưa đủ tác động sâu sắc, chuyển đổi hành vi văn hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của di sản này.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Sau năm năm hiện về bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum, đặc biệt là việc tổ chức các lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, xoang, chỉnh âm cồng chiêng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong các lễ hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. 

 

Đồng chí khẳng định bảo tồn và phát huy bản săc văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay thì nhiệm vụ bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc càng có ý nghĩa sâu sắc; không chỉ giữ gìn truyền thống văn hóa đặc trưng của ông cha ta để lại, đây là niềm tự hào của dân tộc Tây Nguyên nói chung và của cộng đồng các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng.

 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen cho tập thể (ảnh trái) và cá nhân

(ảnh phải)

 

Để ghi nhận những kết quả qua 5 năm thực hiện Đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng Giấy khen cho 05 tập thể và 10 cá nhân tích cực trong thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020"./.

 

 

                                                                                                Lê Hằng