Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Nhìn lại 3 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp
Ngày đăng: 03/08/2020  16:30
Mặc định Cỡ chữ
Qua 3 năm triển khai Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đã tổ chức xét duyệt 59 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đăng ký tham dự, trên cơ sở đó đã lựa chọn được 34 dự án, ý tưởng để hỗ trợ hiện thực hóa sản phẩm.

 

Ảnh minh họa

 

Các dự án, ý tưởng khởi nghiệp được xét duyệt đã được Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh trao Giấy chứng nhận khởi nghiệp và được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum xét xét hỗ trợ và cho vay để hiện thực hóa dự án, ý tưởng khởi nghiệp vào kinh doanh; được các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư xem xét cho vay và đầu tư nguồn vốn để thực hiện; được hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp; được hỗ trợ đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự và quản trị doanh nghiệp; được hỗ trợ tham gia các gian hàng tại hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại để trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp và thụ hưởng các chính sách ưu đãi về nông nghiệp công nghệ cao và các ưu đãi khác theo đặc thù riêng của tỉnh.

 

Đến nay, trong số 34 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đã được Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, có 19 dự án đang triển khai, các dự án còn lại đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục về đất, cơ sở hạ tầng…

 

Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đã ký hợp đồng hỗ trợ và giải ngân cho 15 dự án với dư nợ 1 tỷ 336,8 triệu đồng: Dự án ChoapChoap - Snack nấm đầu tiên tại Việt Nam; Nông trại hữu cơ Nico Nico Yasai Măng Đen; Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào bảo tồn và phát triển lan rừng gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Khởi nghiệp cùng mô hình kinh tế trang trại khép kín theo hướng hữu cơ sinh học; Mô hình kinh doanh café English; Nông trại hữu cơ rau thủy canh và không gian xanh Kon Tum; Nuôi Gà Đồi bằng dược liệu; Kora Kora - Nhà sản xuất thực phẩm từ dược liệu; Chế biến dược liệu rừng, trồng đẳng sâm công nghệ cao và sản xuất chế phẩm công nghiệp từ đẳng sâm; Măng đen Farmstay, phương thức thu hút nguồn nhân lực trẻ phát triển nông nghiệp và du lịch tại Măng Đen; Sản xuất và nuôi trồng tổng hợp; Nuôi thủy sản nước ngọt; Trang trại nuôi dúi thương phẩm Kon Tum; Nuôi heo bản địa (heo làng) và Cửa hàng rau sạch Kon Tum.

 

Về công tác giải ngân, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đã chủ động liên hệ, đến trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình sử dụng vốn hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp. Qua kiểm tra thực tế cho thấy việc sử dụng vốn đúng mục đích, tình hình kinh doanh ổn định, thực hiện đúng các cam kết ghi trong hợp đồng hỗ trợ.

 

Ngoài hỗ trợ về vốn, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động đào tạo khởi nghiệp.

 

Từ năm 2017 đến năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được 04 lớp đào tạo về khởi nghiệp cho 690 học viên (năm 2017 đào tạo 300  học viên; năm 2018 đào tạo 170 học viên; năm 2019 đào tạo 220 học viên) là cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp đến hoạt động khởi nghiệp của các Sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố trực thuộc UBND tỉnh; đoàn viên, thanh niên thuộc Tỉnh Đoàn; cán bộ, công chức, viên chức thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Tỉnh; Giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và đại diện các hợp tác xã, dự án/ý tưởng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, hàng năm tổ chức trực tiếp Chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với thanh niên: "Thanh niên Kon Tum với Phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp"...

 

Để tiếp tục hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đã, đang và sắp được xét duyệt, UBND tỉnh có kế hoạch tiếp tục mở 3 lớp đào tạo theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam trong năm nay.

 

Ngoài ra, xây dựng Đề án khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; trong đó chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh, mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, vai trò của các cơ quan quản lý; chỉ đạo các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm đến công tác thúc đẩy công tác khởi nghiệp, thường xuyên đề xuất những mô hình hay, cách làm hiệu quả, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ nhân rộng.

 

Tích cực tuyên truyền về việc tổ chức xét duyệt dự án, ý tưởng khởi nghiệp; buổi cà phê “khởi nghiệp-doanh nhân”; các chương trình, hoạt động khởi nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng. Duy trì và thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan đến khởi nghiệp, cá nhân tiêu biểu về phong trào khởi nghiệp lên trang fanpage Trang hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum và chuyên trang Khởi nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

 

Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho tác giả/nhóm tác giả tiếp cận vay vốn, hồ sơ thủ tục thuê đất, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp, đào tạo về khởi nghiệp, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký sản phẩm hợp quy, kiểu dáng, sáng chế, bản quyền, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm…để các dự án sớm được triển khai, có sản phẩm cung ứng cho thị trường, tạo thêm công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho các dự án.

 

Huy động nguồn lực để phát triển khởi nghiệp, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, không gian để hỗ trợ khởi nghiệp; tiếp tục kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp, hỗ trợ tài chính cho Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh và xây dựng kế hoạch hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo...

 

Bài, ảnh: Dương Nương