Thứ sáu, Ngày 02/05/2025 -

Gia vị của rừng
Ngày đăng: 02/03/2020  16:38
Mặc định Cỡ chữ
Không chỉ cuốn hút bởi cồng chiêng- xoang và các loại nhạc cụ dân tộc, mảnh đất Bắc Tây Nguyên còn gọi mời bằng các món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng. Các món ăn chẳng những được chế biến từ nguyên liệu rau, củ, quả, thịt, cá... sẵn có trong tự nhiên, mà còn là sự kết hợp với các loại gia vị độc và lạ, tạo nên hương vị rất riêng, được nếm một lần sẽ còn nhớ mãi.

 

Lá cóc rừng- gia vị quen thuộc của bà con làng Plei Tơ Nghia

 

Món ăn của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, phổ biến nhất là các loại được chế biến từ rau dớn, lá mì, măng le, thịt chim, chuột, chồn, cá sông, cá suối... Các món ăn truyền thống dù dân dã, đơn giản đến đâu, cũng không thể thiếu các gia vị góp phần làm nên hương vị độc đáo, khó quên.  

 

Gia vị đầu tiên phải kể đến là tiêu rừng. Cũng như một số loại rau rừng, tiêu rừng mọc trong điều kiện tự nhiên, không được chăm sóc, để ý; vẫn cho ra sản phẩm độc đáo. Tiêu rừng hạt nhỏ. Hạt già xanh đậm là lúc hái phơi khô, giã dập hoặc giã nát, ăn cay nồng. Lá mắt mật khá phổ biến ở các thung lũng, vùng đồi, mọc chung với cây dại, cỏ lác. Lá mắt mật “chuyên trị” với món nướng, vừa có  mùi thơm đặc trưng, vừa có tác dụng tạo “nhiệt” để cân bằng với mỡ. Thịt heo, thịt bò, thịt gà… mắt mật đều “hợp”. Ấn tượng nhất là heo làng nướng với cả “ổ” mắt mật ở bên trong.

 

Theo bà Y Xanh, ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum: Không chỉ phổ biến với tiêu rừng, nghệ rừng, người Ba Na trước giờ vẫn thường dùng hai loại gia vị phổ biến để nấu món ăn dân tộc. Đó là cóc rừng và cà Lào. Cóc rừng lá mềm, xanh ngắt, vị chua thanh tự nhiên. Lá cóc rừng được rửa sạch, bỏ vào cối giã nhuyễn, trộn với các món gỏi, nộm. Cóc rừng trộn với thịt gà, cá, heo đều được. Món ăn càng ngon hơn khi được trộn thêm với cây chuối non, mít non, thành món gỏi “khoái khẩu”.

 

Cà Lào là tên gọi từ lâu đời. Theo chị Y Nhi người làng Plei Tơ Nghia, có lẽ do cây cà này xuất xứ từ vùng biên giáp giới với nước bạn Lào nên được mọi người gọi thế. Cà Lào có tác dụng đặc biệt như bột ngọt. Lúc còn thiếu cơm lạt muối trước đây, quả cà Lào thường được giã nát để trộn với các loại rau xanh ăn sống hay nấu chung với một số loại thức ăn, cho thêm vị ngọt đậm đà. Bây giờ, bà con vẫn  thích dùng để ăn, tuy vậy, giống cà này không còn nhiều; mùa mưa, lặn lội ở xa mới có thể kiếm được.

 

Những món ăn đượm gia vị truyền thống của làng Nông Con     

 

Anh Kring Hoa ở làng Nông Con (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) cho hay, ở địa phương, đặc sản thịt sóc nấu chuối rừng hay ếch nấu lá mì trong ống, không thể thiếu gia vị là ruột cây pu duông. Pu duông là loại cây giống cây riềng của người Kinh, mọc tốt, có khi cao đến đầu người. Người Triêng không ăn củ pu duông mà lấy thân cây, bóc các lớp áo ngoài, chỉ lấy nõn bên trong. Nõn này được giã nát, vừa thơm, vừa cay cay rất ngon. Các món thịt chuột, thịt sóc, thịt dúi, không có pu duông thì không thể thơm ngon. “Đặc biệt, với tính cay, nóng lại thơm ngon nên pu duông rất tốt khi dùng nấu thức ăn cho phụ nữ, nhất là phụ nữ sau sinh.”- Kring Hoa cho biết thêm.

 

Với anh Nguyễn Đức Hoàng ở thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy- Một đầu bếp giỏi, từng đoạt nhiều giải thưởng từ các cuộc thi ẩm thực trong nước và khu vực dành cho các đầu bếp chuyên nghiệp, gia vị của rừng đã trở thành một phần không thể thiếu để tạo nên những món ăn hấp dẫn, ngon lành, bổ dưỡng và đặc biệt là mang hương vị của rừng.

 

Theo anh, Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray và Vườn Quốc gia Ngọc Linh cũng là những nơi đa dạng, độc đáo về các loại cây, củ, hạt để chế biến các món ăn truyền thống. Sau nhiều năm cất công tìm kiếm, sưu tầm, đến nay, đã có hàng chục loại lá, hoa, củ, quả rừng có thể ăn sống hoặc kết hợp chế biến để tạo ra những món ăn độc đáo. Từ đơn giản, không khó tìm như rau tàu bay, rau dớn, môn rừng, tiêu rừng, cây chuối rừng, cây mắt mật…đến các loại thuộc hàng quý hiếm như gừng rừng, đọt mây, quả muối rừng, lá lốt rừng… đều là nguyên liệu được khéo léo tạo thành các món ăn truyền thống đậm vị núi rừng và thêm hương sắc.

 

Không chỉ phổ biến với tiêu rừng Kon Plông, độc đáo nhất phải kể đến quả muối rừng, có nhiều ở vùng núi Chư Mom Ray, thuộc địa bàn thị trấn và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Cây muối từng thuộc loài thân gỗ, hạt chùm, hình dáng như hạt tiêu. Còn xanh, quả muối rừng có màu đỏ tươi,vị mặn; lúc chín màu đen, vị mặn hơi chua thanh tự nhiên. Sự sáng tạo trong sử dụng hạt muối rừng đã giúp Nguyễn Đức Hoàng chế biến nhiều món ăn ngon, độc đáo. Có thể kể đến món chạch gai cuộn lá lốt rừng xốt hạt muối rừng ăn kèm lá ngũ vị, hay món gà vườn nấu trái muối rừng ăn với bún tươi…

 

Tỉnh Kon Tum đất rộng, địa hình đa dạng, chia cắt phức tạp tạo nên những tiểu vùng khí hậu khác nhau cũng là nơi tập trung các loại cây lá, hoa trái rất đa dạng, phong phú; mang đến nhiều hương vị không chỉ cho những món ăn hàng ngày, mà còn có thể nâng lên thành tinh hoa ẩm thực.

                                                              

             Bài, ảnh: Nghĩa Hà