Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Ưu tiên giải pháp can thiệp và có chính sách đột phá cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi
Ngày đăng: 06/12/2019  19:37
Mặc định Cỡ chữ
Trước thực trạng các chỉ số về suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi khó đạt được đến năm 2020 như kế hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Liên, Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy băn khoăn chất vấn Giám đốc Sở Y tế Đào Duy Khánh: Cần ưu tiên những giải pháp can thiệp và những giải pháp chính sách đột phá nào để cải thiện tình trạng SDD trẻ em dưới 5 tuổi thời gian tới?

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Liên chất vấn, Giám đốc Sở Y tế trả lời.

 

Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, phát triển trẻ em trên địa bàn tỉnh nói chung và phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi nói riêng đã được UBND tỉnh, ngành Y tế quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Theo đó, kết quả giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm luôn đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao (giảm 0,5%/năm).

 

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng SDD trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh chậm được cải thiện, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Nguyên nhân là do đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, không có điều kiện để cung cấp khẩu phần ăn đủ năng lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ em; ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ; một số ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng chống SDD; thiếu kiểm tra đôn đốc; chưa thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục yếu kém, bất cập trong công tác phòng chống SDD; trình độ cán bộ y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, nhất là nhân viên y tế thôn, làng chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác tuyên truyền, chăm sóc bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, phòng chống SDD trẻ em…

 

Theo Giám đốc Sở Y tế, để cải thiện tình trạng SDD trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; tăng cường trách nhiệm và công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, với gia đình, trọng tâm tập trung vào 05 nhóm giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền; thực hành dinh dưỡng, tăng cường kiểm tra, giám sát; giải pháp về tài chính và các giải pháp chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực y tế.

 

Cụ thể, đối với nhóm giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tư vấn nội dung về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng: Truyền thông vận động người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, họp thôn, làng, xã; tư vấn và hướng dẫn trực tiếp nội dung về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng; nêu gương điển hình hộ gia đình làm kinh tế giỏi, chăm sóc, nuôi dạy con tốt...

 

Đối với nhóm thực hành dinh dưỡng và phòng chống suy dinh dưỡng: Tiếp tục triển khai và nhân rộng Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Triển khai Kế hoạch số 2995/KH-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Nhân rộng mô hình câu lạc bộ “Không có trẻ suy dinh dưỡng”, mô hình “Quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng” hiện đang triển khai ở 06 xã của huyện ĐăkGlei, Tu Mơ Rông (nguồn Unicef), duy trì sinh hoạt thường xuyên để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc dinh dưỡng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng của các bà mẹ, gia đình có trẻ nhỏ.

 

Tiếp tục triển khai các mô hình điểm xóa đói giảm nghèo bền vững, mô hình VAC thí điểm và nhân rộng tại các vùng khó khăn, hệ thống nước sạch... nghiên cứu để tăng nguồn thực phẩm sẵn có tại hộ gia đình, cải thiện bữa ăn cho bà mẹ, trẻ em. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kiến thức, thực hành chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc trẻ nhỏ.

 

Nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai công tác phòng chống SDD cho trẻ em dưới 5 tuổi: Chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và các địa phương duy trì hoạt động hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai các hoạt động phòng chống SDD trẻ em dưới 05 tuổi định kỳ hàng năm. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường mầm non có tổ chức bếp ăn tập thể.

 

 Nhóm giải pháp về tài chính: Bố trí nguồn ngân sách địa phương để triển khai các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em trong tình hình nguồn kinh phí Trung ương cắt giảm; Tăng cường kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân, lồng ghép các nguồn lực trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh.

 

Nhóm các giải pháp chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực y tế do ngành Y tế chủ trì triển khai: Tăng cường công tác chăm sóc trẻ can thiệp sớm trong 1000 ngày đầu đời của trẻ; Can thiệp dinh dưỡng sớm từ khi bà mẹ mang thai để phòng SDD bào thai; Tăng cường vận động nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú mẹ kéo dài tối thiểu đến 24 tháng; Bổ sung vi chất; Điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính theo phát đồ của Bộ Y tế; Theo dõi tăng trưởng của trẻ; Triển khai mô hình bác sĩ gia đình để kịp thời phát hiện trẻ bệnh, trẻ SDD, có chế độ điều trị và chăm sóc kịp thời...

 

Tại Nghị quyết 36/2011/NQ-HĐND ngày 05/12/2011 của HĐND tỉnh Kon Tum về quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025 đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn dưới 17% đến năm 2020; Kế hoạch 1091/KH-UBND ngày 15/8/2016 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Kon Tum thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 điều chỉnh tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 35%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân giảm còn dưới 21%.

 

Dương Nương (tổng hợp)