Nhân kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2011), tối ngày 07/8/2011, tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum phối hợp với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp với thành phố Hồ Chí Minh. Chủ đề của Chương trình này là "Chất độc da cam/dioxin-Tội ác và Công lý", phát trên VTV4 và HTV9 vào lúc 20h30.
Đến dự tại đầu cầu Ngọc Hồi-Kon Tum có các đồng chí: Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; Giáo sư, Bác sĩ, anh hùng lao động, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, PCT Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh; Hà Ban, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum; Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; Sô Lây Tăng, Y Vêng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đông đảo nhân dân huyện Ngọc Hồi.
Đồng chí Lê Thị Kim Đơn, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cầu truyền hình huyện Ngọc Hồi.
Nội dung thông tin và giao lưu tại hai đầu cầu truyền hình đã lên án tội ác của đế quốc Mỹ đã gây ra thảm họa da cam trong chiến tranh xâm lược Việt Nam-một thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn làng với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hoá học dọc theo quốc lộ 14 nằm ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum do máy bay trực thăng H34 thực hiện ngày 10/8/1961. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Tỉnh Kon Tum có 7769 nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin; có 816 nạn nhân hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, trong đó có 564 nạn nhân là người tham gia kháng chiến, 252 nạn nhân là con đẻ của người tham gia kháng chiến.
Qua chương trình cho thấy Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc đến vấn đề chất độc da cam và nạn nhân chất độc da cam. Công tác phục hồi các vùng đất suy thoái, phục hồi rừng, các hệ sinh thái vốn có, các loài động thực vật hoang dã được đẩy mạnh. Công tác chăm sóc và phục hồi sức khoẻ của nạn nhân chất độc da cam luôn được quan tâm và thực hiện có hiệu quả./.
Tin, ảnh: Nguyễn Phan