Chủ nhật, Ngày 28/04/2024 -

Vai trò lịch sử của báo chí cách mạng
Ngày đăng: 17/06/2013  03:13
Mặc định Cỡ chữ
 

Tháng 6 năm 1925, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (Việt Nam cách mạng Thanh niên) - tổ chức yêu nước đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản ra đời, đồng thời xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận. Số đầu tiên được ra đúng ngày 21-6-1925. Kể từ đó đến nay, đã có hàng trăm cơ quan báo chí ra đời, góp phần to lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Tháng 6-1929, Báo Búa liềm ra đời làm cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng. Báo Lao động (8-1929) và tạp chí Công hội đỏ ra đời ( 10-1929) là cơ quan ngôn luận của tổ chức Công đoàn cách mạng Việt Nam. Tháng 9-1929, An Nam Cộng sản Đảng cho ra đời báo Đỏ. Ngày 03-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức là Đâng Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Ngày 05-8-1930, Trung ương Đảng cho xuất bản tạp chí Đỏ, đây là tạp chí đầu tiên của Đảng và là tờ báo đầu tiên của trong hệ thống báo chí của Đảng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đến ngày 15-8-1930, báo Đấu tranh được xuất bản, làm cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếp đó, năm 1931, Đảng xuất bản báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Bônsêvích (1935). Báo chí trong giai đoạn này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng chống thực dân, phong kiến, mà đỉnh điểm là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
 
Sang giai đoạn 1936 - 1939, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến, mặt trận nhân dân chống phát xít được hình thành ở nhiều nước. Ở Việt Nam, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai, nhiều tờ báo viết bằng tiếng Pháp được xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn, nổi bật có tờ Dân chúng, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng.
 
Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, thành lập mặt trận Việt Minh, đồng thời sáng lập ra báo Việt Nam độc lập (01-8-1941). Tiếp đến, một loạt các báo được ra đời, trong đó có tờ Cứu quốc (01-1942) và Cờ giải phóng (10-1942) là hai tờ báo có cống hiến lớn nhất trong việc thúc đẩy cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.
 
Từ năm 1925 đến Cách mạng Tháng Tám 1945, đã có hàng trăm tờ báo, tạp chí ra đời nhằm mục đích tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng Việt Nam thể hiện trong đường lối chính trị của Đảng và Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh niên, dưới nhiều hình thức và bị sự ngăn chặn, đàn áp dữ dội của bọn thực dân, phong kiến. Tuy nhiên, hệ thống báo chí cách mạng vẫn phát triển mạnh mẽ, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, chống thực dân và phong kiến phản động.
 
Trong những năm đầu của chính quyền cách mạng, báo chí tích cực phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ. Báo Cứu quốc là tờ nhật báo lớn nhất cả nước lúc bấy giờ, đồng thời xuất hiện thêm hai cơ quan mới: Đài Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã. Cuối năm 1945, báo Sự thật ra đời (tiền thân của tờ báo Nhân dân). Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, báo chí Trung ương cũng như địa phương tập trung tuyên truyền, đăng tải các văn kiện của Đảng, vài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng. Hoạt động tích cực nhất là các báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội nhân dân.
 
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hệ thống báo chí đã bám sát thực tiễn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ của cuộc kháng chiến. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền với hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Theo đó, báo chí vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam nhằm mục đích thống nhất nước nhà.
 
Sau ngày thống nhất đất nước, hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình phát triển rộng khắp cả nước, tăng nhanh cả về số lượng và loại hình; nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả. Trong công cuộc đổi mới, báo chí góp phần to lớn vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối dổi mới của Đảng. Các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãnh phí, âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch…
 
Hiện nay, nước ta đã có đầy đủ các loại hình: báo in, báo ảnh, báo nói, báo điện tử. Cả nước có 786 cơ quan báo in, với 1.016 loại ấn phẩm, trong đó báo có 194 cơ quan, tạp chí có 592 cơ quan; 67 đài phát thanh, truyền hình cấp Trung ương và tỉnh, trên 500 đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện; 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội và hơn 1000 trang thông tin điện tử tổng hợp.
 
88 năm qua, báo chí cách mạng nước ta đã thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết, vượt qua khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta giành những thắng lợi to lớn. Đội ngũ nhà báo luôn trung thành với mục đích và lý tưởng của Đảng, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành dộc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Minh Hải