Thứ hai, Ngày 05/05/2025 -

Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà màng
Ngày đăng: 10/09/2014  03:11
Mặc định Cỡ chữ
 

Trước yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum đã triển khai thực hiện Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dưng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án hiện đang hỗ trợ cho Tổ hợp tác rau 1/5, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) sản xuất rau trong nhà màng, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái, từng bước phát triển thành sản phẩm chủ lực của thành phố Kon Tum” - Bà Linh nhấn mạnh. 

Phát triển rau an toàn VietGAP trong nhà màng ở phường Thắng Lợi
 
Gặp nông dân sản xuất rau VietGAP trong nhà màng
 
Phường Thắng Lợi là địa bàn có nhiều hộ chuyên canh rau nổi tiếng và là nơi cung cấp nguồn rau quan trọng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum đã triển khai thực hiện Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dưng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó đã hỗ trợ đầu tư cho dân sản xuất rau an toàn trong nhà màng.
 
Anh Đỗ Văn Luận (Tổ hợp tác rau 1/5) sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà màng ở phường Thắng Lợi hào hởi cho biết: “Dự án đã hỗ trợ nguyên vật liệu chính (ni lông-màng lợp, cây tầm vông, lưới chắn côn trùng…), chiếm 64,46% cho phí; dân đối ứng (công thợ lắp nhà màng,  xi măng, sắt thép), 35,54% chi phí. Sau khi hoàn thành xây dựng 1.000 m2 nhà màng, tôi sản xuất lứa rau đầu tiên là cải cúc. Rau cải cúc sản xuất trong nhà màng không bị mưa dập, ít sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế cao. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng sản xuất, tôi bán được trên 15 triệu đồng, lãi ròng 13 triệu đồng. Việc sản xuất rau trong nhà màng còn giúp gia đình tôi giảm được thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, điện và không sợ bị rủi ro do thiên tai. Mặc dầu giá rau an toàn VietGAP trong nhà màng hiện đang bán bằng với giá rau “trôi nổi” trên thị trường, nhưng tính ra tôi vẫn lãi gấp đôi so với trồng ngoài nhà màng. Trong những vụ đến, gia đình tôi dự kiến sẽ sản xuất thêm nhiều loại như dưa leo, bắp sú, cải các loại, rau gia vị, cà chua, súp-lơ, đậu cô-ve…trong nhà màng”.
 
Tuy nhiên, điều đáng nói là cũng như trước đây, rau an toàn thành phố cũng chưa tạo được thương hiệu. “Mong UBND thành phố tạo điều kiện cho Tổ hợp tác có điểm bán sản phẩm để quảng bá hình ảnh rau VietGAP đến người tiêu dùng”-anh Luận đề nghị.
 
Các anh Huỳnh Quốc Tuấn, Nguyễn Duy Điệp cũng đã hoàn thành xây dựng và đang bước vào sản xuất lứa rau an toàn VietGAP đầu tiên trong nhà màng. Hai anh cũng ao ước có một số điểm bán rau an toàn VietGAP của Tổ hợp tác rau 1/5 trên thị trường Kon Tum.
 
Để rau an toàn VietGAP thành sản phẩm chủ lực
 
Theo bà Đinh Thị Mỹ Linh, thực ra sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhà màng ở nước ta bây giờ không phải là mới mà đã có ở nhiều nơi như  Đà Lạt (Lâm Đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… Tại Đà Lạt, việc trồng cà chua theo công nghệ cao trong nhà màng đã đưa năng suất lên 100 tấn/ha, tăng 60 tấn/ha so với ngoài trời. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam đã trồng các loại rau trong nhà màng ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành đạt năng suất khá cao. Sản lượng so sánh thu được trên m2 giữa trong nhà màng và ngoài nhà màng ở Tân Hải như sau: cải xanh 4,3kg/3,2kg, cải ngọt 3,1 kg/1,2 kg, xà lách 3kg/2kg, rau dền 2,7 kg/1,5 kg, cải cúc 2,2 kg/1,4 kg (mùa khô); cải xanh 4,3 kg/3,1 kg, cải thìa 2,4 kg/1,3 kg, xà lách 3,1 kg/2,1 kg, rau dền 3,6 kg/2,1 kg, cải cúc 2,3kg/1,5kg (mùa mưa)…
 
Từ kinh nghiệm của các tỉnh, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum đã hỗ trợ xây dựng và chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau an toàn VietGap cho 3 hộ trong Tổ hợp tác 1/5 với quy mô 3.000 m2 nhà màng (mỗi hộ 1.000 m2 nhà màng).
 
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thực ra nguồn gốc GAP (Good Agricultural Practice) bắt nguồn từ sáng kiến của các nhà bán lẻ châu Âu nhằm giải quyết mối quan hệ bình đẳng và trách nhiệm giữa nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp với khách hàng của họ và người tiêu dùng theo một tiêu chuẩn định. Có thể định nghĩa GAP là hệ thống canh tác trên cơ sở kiểm soát các mối liên quan đến an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình canh tác từ đất, nguồn nước, giống, phân bón, động vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng và sức khỏe nông dân… trên một nền nông nghiệp hữu cơ. Các nước ASEAN trong đó có Việt Nam ban hành quy trình sản xuất cho rau, quả tươi an toàn theo tiêu chuẩn này gọi là VietGAP. Ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum lâu nay nhiều hộ cũng từng sản xuất rau an toàn VietGAP nhưng ở ngoài trời, nay là lần đầu tiên trong nhà màng.
 
Trăn trở với người trồng rau, bà Linh cho biết Dự án đang đặt ra các giải pháp hướng đến cho Tổ hợp tác xây dựng mạng lưới rau an toàn thông qua các siêu thị, cửa hàng hoặc quầy hàng kinh doanh. Tất cả các tác nhân tham gia vào chuỗi rau an toàn VietGAP đều phải có sự gắn kết chặt chẽ để đáp ứng và bảo đảm các yêu của người tiêu dùng. Việc khảo sát, lựa chọn, quy hoạch các cửa hàng, quầy hàng, siêu thị; đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến chất lượng bao bì và mẫu mã chất lượng hàng hóa; xây dựng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cửa hàng rau an toàn VietGAP cũng đã được tính đến.  
 
Sản xuất rau an toàn VietGAP ở phường Thắng Lợi là hướng đi đúng. Phần còn lại là quyết tâm của UBND thành phố, Phòng Kinh tế và các phòng, ban có liên quan và sự nỗ lực của các thành viên trong Tổ hợp tác để rau an toàn VietGAP ở địa phương đến với người tiêu dùng,từng bước phát triển thành sản phẩm chủ lực của thành phố. 

Bài, ảnh: Văn Nhiên