 |
Cây lúa không phát triển được vì rầy nâu
|
Ruộng lúa cháy vàng vì rầy nâu
Trước tình hình dịch rầy nâu gây hại lúa nhiều nơi trên đồng ruộng ở thành phố Kon Tum, chúng tôi đã có dịp đến cánh đồng xã Đoàn Kết. Ông Lê Văn Anh, đang phun thuốc trừ rầy trên ruộng, ngao ngán thở dài: “Gia đình làm 3 sào lúa, cả 3 sào cũng đều bị rầy nâu gây hại. Ruộng lúa bị rầy hại nhiều và nặng nhất là lúa HT1. Gia đình đã phun thuốc hai đợt, nhưng vẫn chưa diệt hết rầy!”.
Ở những chân ruộng lúa bị rầy hại nặng được bà con mới phun, chúng tôi thấy rầy chết trắng bầy nhầy trên mặt nước. Ở các chân ruộng chưa phun, chúng tôi lấy tay vạch lúa, rầy nâu bay loạn xạ như tàn tro tranh. Cây lúa bị rầy hút hết nhựa, mất dinh dưỡng vàng như cháy nắng.
Anh Trần Văn Phúc - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nguyễn Trãi, than: “Mấy năm trước lúa cũng có rầy nâu, nhưng không phát triển mạnh và gây hại nhiều. Vụ mùa năm nay, từ khi cây lúa gieo sạ được 25-30 ngày đã xuất hiện rầy nâu. Nhà tôi làm 4 sào, nhưng cả 4 sào đều bị rầy nâu. Giống lúa nào cũng bị rầy hại, nhưng nặng nhất là ở các chân ruộng lúa vùng trũng, lúa tốt và nhiều nước”. Cũng như người dân, anh đã phun thuốc diệt rầy nâu. Rầy chết trắng ruộng, nhưng tỷ lệ rầy chết khoảng 70-80%.
Ông Lê Tự Sương - Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi cho biết: “Bà con trong phường sản xuất 120 ha lúa nước, trong đó có khoảng 30% diện tích lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu. Để ngăn chặn dịch bệnh, UBND phường đã thông báo tình hình dịch bệnh và yêu cầu bà con đồng loạt triển khai các biện phòng phòng trừ dịch hại theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật thành phố trên hệ thống loa truyền thanh ở địa phương”. Tuy nhiên, có lẽ bà con không triển khai phun thuốc đồng loạt, nên tại thời điểm chúng tôi đến thăm, rầy nâu vẫn còn gây hại mạnh.
Cần đồng loạt ngăn chặn dịch rầy nâu
Ông Nguyễn Nghiêm - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật thành phố cho biết, sau khi phát hiện rầy nâu hại lúa, Trạm đã có “Thông báo khẩn rầy nâu hại lúa và biện pháp phòng trừ”. Đồng thời, Trạm cử cán bộ xuống các xã, phường nắm bắt tình hình và tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường và các cơ quan có liên quan tích cực hướng dẫn dân triển khai các biện pháp phòng trừ.
Theo kết quả kiểm tra, khảo sát, tính đến ngày 23/9, toàn thành phố có khoảng 230 ha lúa ở phường Nguyễn Trãi, xã Đoàn Kết và Đăk Blà bị rầy nâu hoành hành, trong đó có khoảng 30 ha lúa bị rầy gây hại nặng, mật độ rầy từ 3.000-4.000 con/m2.
Cũng theo ông Nghiêm, rầy nâu này có tên khoa học là Nillaparvata lugens. Thân hình màu nâu, nhỏ dài 5mm và có cánh. Dạng cánh ngắn không bay được, bám trên lúa để gây hại và sinh sản. Khi gặp điều kiện thiếu thức ăn thì xuất hiện loại hình cánh dài có thể bay mạnh và bay xa sang các vùng khác. Rầy chích hút nhựa cây lúa, làm lúa sinh trưởng kém, lá vàng, năng suất giảm. Nếu mật độ rầy cao có thể dẫn đến lúa bị cháy khô, thất thu. Rầy nâu còn là môi giới truyền virút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho lúa.
Để diệt trừ rầy nâu, bà con có thể sử dụng các loại thuốc hóa học để phun như Penalty 40WP; Chess 50WC; Actara 25WG; Oncol 20EC, 25WP; Cofidor; Applaud-Mipc 25SP; Regent 0.2, 0.3G, 5SC; Trebon 10EC, 20WP, 30EC… Khi phun thuốc, bà con cần đưa vòi phun xuống phần dưới gốc cây lúa để thuốc tiếp xúc được với rầy nhằm tăng hiệu lực trừ rầy. Đồng thời, trước khi phun, bà con cần đưa nước vào ruộng để tăng hiệu quả sử dụng thuốc; không nên pha trộn hỗn hợp nhiều loại thuốc để phun. Cần tiến hành thun thuốc đồng loạt để hạn chế sự di chuyển của rầy. Sử dụng luân phiên các loại thuốc để tránh hiện tượng rầy kháng thuốc.
Bên cạnh đó, bà con còn có thể áp dụng các biện pháp sinh học như bảo vệ các loài thiên địch của rầy như ong ký sinh, bọ xít nước, bọ rùa, nhện bắt mồi, nấm ký sinh… Tuy nhiên, biện pháp bảo vệ thiên địch, không phun thuốc chỉ áp dụng khi lúa còn non (sau thời gian gieo sạ từ 30-40 ngày), mật độ rầy ít, thiên địch có thể khống chế được rầy nâu. Ngoài ra, bà con có thể gieo sạ giống lúa kháng rầy, gieo với mật độ vừa phải (100-120kg giống/ha đối với lúa thuần chủng và 60-70kg/ha đối với lúa lai). Bón phân cân đối (phân NPK), không thừa đạm và không bón phân đạm muộn.
Rầy nâu là đối tượng dịch hại nguy hiểm, khả năng sinh sản mạnh, lây lan nhanh. Với dịch rầy như hiện nay, theo chúng tôi, nếu không có chính sách và các biện pháp tổ chức, hướng dẫn người dân đồng loạt phun thuốc phòng trừ rầy ở diện tích lúa bị nhiễm bệnh thì cây lúa sẽ tiếp tục bị cháy rầy và dịch bệnh dễ bùng phát trên diện rộng.
Bài, ảnh: Văn Nhiên