Thứ hai, Ngày 16/09/2024 -
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyên Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố của tỉnh.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW), trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Trung ương luôn bám sát các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quyết liệt chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện TDCSXH. Nhờ đó, các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra tại Chỉ thị số 40-CT/TW cơ bản được hoàn thành; hoạt động TDCSXH trong giai đoạn 2014-2024 đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng.
Đến ngày 31/7/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng 43.542 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%.
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều); góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đóng góp tích cực xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong cả nước…
Tại tỉnh Kon Tum, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân 22,1%/năm, đến nay tổng nguồn vốn đạt 4.625 tỷ đồng, tăng 3.188 tỷ đồng so với năm 2014; trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 229,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5% trên tổng nguồn vốn, tăng 27,2 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 46.000 lượt hộ nghèo thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 48.000 lao động; giúp cho 3.372 lượt học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 114.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng 2.038 căn nhà cho hộ nghèo… góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 26,11% (cuối năm 2015) xuống còn 6,84% (cuối năm 2023), xây dựng 48/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các nội dung, phân tích sâu hơn, rõ hơn những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại; những điểm nghẽn cản trở sự phát triển, đề xuất những kiến nghị, giải pháp mới trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, NHCSXH trong thực hiện từ đó đưa Chỉ thị số 40- CT/TW đi vào thực tiễn. Đồng thời, định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị hệ thống NHCSXH tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH; tham mưu cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW; Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức CTXH trong việc thực hiện TDCSXH; quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua NHCSXH.
Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nghèo, đối tượng chính sách xã hội và yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới nhằm mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay...
Hữu Phương
Tin tức liên quan