Chủ nhật, Ngày 15/09/2024 -

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 15 - 19/7/2024
Ngày đăng: 21/07/2024  15:00
Mặc định Cỡ chữ
(http://kontum.gov.vn): Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12; Số lượng tổ và thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến vị trí việc làm; Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC góp phần nâng cao các chỉ số; Tăng cường quản lý chất lượng xây dựng, vận hành công trình thủy điện; Chỉ đạo chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn; Công nhận 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2023; Tăng cường công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 15 - 19/7/2024.

 

Ảnh minh họa

 

Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12

 

Ngày 15/7, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 417/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Danh mục sách giáo khoa lớp 5 có 28 đầu sách; Danh mục sách giáo khoa lớp 9 có 31 đầu sách; Danh mục sách giáo khoa lớp 12 có 48 đầu sách.

 

Danh mục sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 phê duyệt trên thuộc Danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; cơ bản ổn định so với năm học trước và đảm bảo các tiêu chí theo Quyết định số 28/2024/QĐ-UBND ngày 25/5/2024 của UBND tỉnh về việc quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Số lượng Tổ và thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh

 

Ngày 15/7, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 38/2024/QĐ-UBND về số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Theo đó, 102 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố của tỉnh có 756 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với 2.380 thành viên, cụ thể: Thành phố Kon Tum 154 Tổ với 526 thành viên; huyện Ia H'Drai 21 Tổ với 64 thành viên; huyện Đăk Glei 93 Tổ với 280 thành viên; huyện Tu Mơ Rông 86 Tổ với 258 thành viên; huyện Kon Plông 76 Tổ với 228 thành viên; huyện Kon Rẫy 49 Tổ với 148 thành viên; huyện Đăk Hà 84 Tổ với 265 thành viên; huyện Ngọc Hồi 68 Tổ với 220 thành viên; huyện Sa Thầy 64 Tổ với 200 thành viên; huyện Đăk Tô 61 Tổ với 191 thành viên.

 

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/7/2024.

 

Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến vị trí việc làm

 

Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, tại Công văn số 2467/UBND-NC ngày 15/7, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo về triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; Có kế hoạch rà soát, sắp xếp lại biên chế, số lượng người làm việc và bố trí đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng quy định.

 

Giao Sở Nội vụ theo dõi, tổng hợp kế hoạch rà soát, sắp xếp lại biên chế, số lượng người làm việc và bố trí đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đã được phê duyệt của các cơ quan, đơn vị, địa phương; Chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện vị trí việc làm, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xử lý.

 

Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC góp phần nâng cao các Chỉ số PAPI, PCI, PARINDEX năm 2024

 

Tại Công văn số 2470/UBND-TTHCC ngày 15/7, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao các chỉ số thành phần trong Chỉ số PAPI, PCI, PARINDEX và SIPAS của tỉnh năm 2024, như:

 

Tiếp tục thực hiện nghiêm nhiệm vụ rà soát, trình công bố, công khai TTHC thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo; Triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện TTHC; dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC để góp phần tiết giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

 

Nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, viên chức trong tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp; Thực hiện nghiêm quy định trong quá trình giải quyết TTHC.

 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân và tổ chức; thường xuyên rà soát, kịp thời cập nhật, công khai đầy đủ TTHC, phí, lệ phí giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả theo quy định; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết TTHC tại địa phương để góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên địa bàn, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ hồ sơ được giải quyết sớm hạn và đúng hạn...

 

Tăng cường quản lý chất lượng xây dựng, vận hành công trình thủy điện

 

Triển khai ý kiến của Bộ Công Thương, tại Công văn số 2500/UBND-HTKT ngày 16/7, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các dự án/công trình thủy điện về công tác quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án thủy điện nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

 

Thường xuyên rà soát để đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, ưu tiên triển khai xây dựng các dự án thủy điện có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao, ít tác động đến môi trường, có diện tích chiếm dụng đất nhỏ, đặc biệt ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng các dự án không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Hướng dẫn, chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án/công trình thủy điện.

 

Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy trình vận hành các công trình thủy điện, kịp thời xử lý theo thẩm quyền; đề nghị các chủ đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thủy văn thực tế nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của các dự án đến đời sống của Nhân dân trong vùng lòng hồ và vùng hạ du dự án thủy điện.

 

Chỉ đạo chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn

 

Tại Công văn số 2504/UBND-NNTN ngày 16/7, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết, ứng phó thiên tai; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động phương án di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; rà soát, bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”; đặc biệt là các trường hợp xảy ra lũ quét, sạt lở đất và mưa, bão lớn, ngập lụt kéo dài trên diện rộng.

 

Rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu; yêu cầu các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý ngay từ ban đầu khi có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra.

 

Tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa bão, lũ lụt đến các cấp chính quyền, người dân biết, để có các biện pháp chủ động phòng tránh, ứng phó; Cung cấp kịp thời các thông tin áp thấp nhiệt đới, diễn biến của cơn bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét để các đơn vị, địa phương liên quan và Nhân dân biết, chủ động phòng, tránh kịp thời.

 

Công nhận 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2023

 

Ngày 17/7, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các Quyết định số 415/QĐ-UBND, 416/QĐ-UBND công nhận xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi và xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2023 theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

 

Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện Ngọc Hồi, Kon Rẫy và UBND các xã Đăk Nông, Đăk Ruồng có trách nhiệm tổ chức công bố quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định và tiếp tục chỉ đạo, thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong thời gian tới nhằm phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định.

 

Tăng cường công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản

 

Thực hiện ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tăng cường công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tại Công văn số 2536/UBND-NNTN ngày 18/7, UBND tỉnh giao các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp tổ chức rà soát, tăng cường kiểm tra công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

 

Trong đó, chú trọng vào những khu vực khoáng sản có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, xử lý theo thẩm quyền (hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý) những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định của pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi.

 

Tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

 

Ngày 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả các chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tỉnh đến năm 2025; phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025... Hằng năm, tham mưu đưa các chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lồng ghép với chương trình, kế hoạch có liên quan để tổ chức thực hiện.

 

Củng cố kiện toàn, nâng cao năng lực chuyên môn hệ thống mạng lưới khám, chữa bệnh chuyên ngành sản khoa, nhi khoa các tuyến, củng cố nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh; Tăng cường giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, ngoài công lập trên địa bàn trong việc thực hiện các giải pháp, các can thiệp chuyên môn về chăm sóc, cấp cứu sơ sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Tăng cường công tác truyền thông, da dạng hình thức và phương tiện truyền thông phù hợp và hiệu quả tại địa phương về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe trẻ em; phòng chống suy dinh dưỡng; tác hại tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; kế hoạch hóa gia đình...

 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố đưa các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tăng cường bố trí ngân sách địa phương thông qua nguồn vốn chi thường xuyên, vốn đầu tư, các Chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung can thiệp giảm tử vong trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trên địa bàn quản lý.

 

Đẩy mạnh công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe trẻ em; phòng chống suy dinh dưỡng; tác hại tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; kế hoạch hóa gia đình để người dân sinh ít con nhằm đạt mức sinh thay thế...

 

Thái Ninh