Thứ 4, Ngày 14/05/2025 -

Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh
Ngày đăng: 09/07/2024  15:05
Mặc định Cỡ chữ
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII, chiều ngày 09/7, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh về các nội dung UBND tỉnh trình kỳ họp. Cổng TTĐT tỉnh đăng tải toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp này.

 

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh

 

Kính thưa đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;

Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp;

 

Thưa toàn thể cử tri trong tỉnh!

 

Qua thảo luận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XII tại Kỳ họp thứ 7, đã có tổng cộng 58 lượt ý kiến được các đại biểu đưa ra với những ý kiến tâm huyết, xác đáng, mang tính xây dựng; trong đó, tập trung chủ yếu vào nhóm vấn đề liên quan đến một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tình hình thu, chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; công tác bố trí, sắp xếp dân cư, đất ở, đất sản xuất; một số nội dung thuộc lĩnh vực xã hội, công tác đào tạo nghề; chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình an ninh trật tự và việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri. UBND tỉnh tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng và xin chọn những vấn đề trọng tâm, nhiều đại biểu quan tâm để giải trình, báo cáo làm rõ thêm như sau:

 

1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; thu - chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024. Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2024.

 

a) Đại biểu có ý kiến: Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6,47%. Đề nghị xác định những giải pháp trọng tâm, cụ thể để 6 tháng cuối năm đạt mục tiêu từ 10% trở lên.

 

UBND tỉnh báo cáo như sau: Tiếp thu ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, ngoài các giải pháp đã được UBND tỉnh nêu tại Báo cáo số 174/BC-UBND ngày 04/6/2024, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có các giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành, địa phương có liên quan đối với từng chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu đạt thấp để các đơn vị, địa phương; phấn đấu hoàn thành cao nhất tăng trưởng GRDP đã được HĐND tỉnh giao, trong đó bổ sung một số giải pháp trọng tâm như sau:

 

- Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, toàn diện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng); khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng quan trọng nhằm phát huy hiệu quả. Triển khai hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi …

 

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới … Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng và xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành.

 

- Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài; phát huy đầu tư công để kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài theo phương thức đối tác công tư. Đẩy nhanh tiến độ, thanh quyết toán, kiểm soát chi để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục giải ngân; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến.

 

- Chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, địa phương liên quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng và các công việc liên quan khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa,…

 

b) Đại biểu có ý kiến: Số vụ tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí (gồm: tăng 27 vụ, tăng 12 người chết, tăng 18 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023), đề nghị có giải pháp cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2024.

 

UBND tỉnh báo cáo như sau: Để thực hiện tốt Năm an toàn giao thông năm 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành 13 văn bản, Ban ATGT tỉnh ban hành 11 văn bản để chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND, Ban ATGT các huyện thành phố ban hành hơn 80 văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

 

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh được tăng cường; thường xuyên đổi mới về hình thức, phương pháp thực hiện, chú trọng sử dụng các phương tiện thiết bị kỹ thuật hiện đại, qua đó đã phát hiện 12.131 trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền 10.236 trường hợp với tổng số tiền 16.484.137.000 đồng. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh còn phức tạp, xảy ra 81 vụ (tăng 27 vụ), làm chết 61 người (tăng 12 người), làm bị thương 58 người (tăng 18 người).

 

Nguyên nhân khách quan do Kon Tum là tỉnh miền núi, có nhiều đèo dốc quanh co, tầm nhìn khuất; hệ thống giao thông huyết mạch còn nhiều đoạn chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch (trong 6 tháng đầu năm, tại nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ chiếm trên 60% số vụ, số người chết, số người bị thương; nhất là đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24). Nguyên nhân chủ quan là do ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông của một số người tham gia giao thông còn hạn chế, tai nạn giao thông liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ cao (chiếm hơn 55% số vụ, hơn 65% số người chết, hơn 45% số người bị thương); phương thức thống kê số liệu theo Điện khẩn của Bộ Công an về rà soát số liệu công tác công an năm 2022, 2023 có khác so với các năm trước cũng làm tăng số lượng tai nạn giao thông (người điều khiển phương tiện tự gây tai nạn 23 vụ, 20 người chết và 14 người bị thương).

 

Trách nhiệm để tai nạn giao thông tăng trên địa bàn tỉnh như đã nêu trên, trước hết thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh, người đứng đầu các ngành Công an, Giao thông vận tải và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh; Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh sẽ thường xuyên họp để chấn chỉnh kịp thời và đề ra các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông trong thời gian tới, cụ thể: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; huy động tối đa lực lượng chức năng, tuần tra xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tập trung vào khung giờ từ 18h đến 24h hàng ngày; tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện hư hỏng, xử lý dứt điểm các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; tổ chức xử lý dứt điểm các kiến nghị về bất hợp lý trong tổ chức giao thông, bổ sung hệ thống an toàn giao thông đúng quy chuẩn (biển báo, tường hộ lan, gờ giảm tốc...).

 

2. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 67/2019/NQ-HĐND ngày 30/12/2019 thông qua Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh

 

Đại biểu có ý kiến: Trung ương chỉ quy định rà soát xác định hộ có mức sống trung bình thuộc hộ cho nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nghiệp. Đối với các đối tượng khác thuộc quy trình rà soát xác định theo nghị quyết này, UBND tỉnh đã giải trình sẽ giao Sở Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền rộng rãi chính sách đặc thù này của địa phương, đồng thời điều tra, rà soát hộ gia đình có mức sống trung bình không thuộc hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm cùng thời điểm với công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Trung ương. Tuy nhiên, việc rà soát đối tượng này chưa thực hiện được ngay thời điểm nghị quyết có hiệu lực vì chờ rà soát cùng thời điểm với rà soát hộ có mức trung bình theo quy định của trung ương. Do đó dễ gây nhầm lẫn cho điều tra đối tượng theo quy định của trung ương và đối tượng quy định của tỉnh. Đề nghị cần chỉ đạo tuyên truyền và thực hiện chặt chẽ.

 

UBND tỉnh báo cáo như sau: Quy trình xác định hộ gia đình có mức sống trung bình không thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp dự kiến ban hành kèm theo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 67/2019/NQ-HĐND ngày 30/12/2019 đã bao gồm các hộ gia đình không làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp sống ở nông thôn. Việc thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ gia đình có mức sống trung bình sẽ thực hiện theo 02 quy trình, đối với hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 167/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đối với hộ gia đình không làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp sẽ thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 67/2019/NQ-HĐND ngày 30/12/2019. Như vậy, 02 quy trình này không trùng lắp và đảm bảo đã bao gồm đầy đủ các hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tuyên truyền và thực hiện chặt chẽ.

 

3. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

 

Đại biểu có ý kiến: Đối với người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 không được hưởng chính sách BHYT theo quy định Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, đề nghị tiếp tục đề nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung cho đối tượng này được thụ hưởng.

 

UBND tỉnh báo cáo như sau:

 

- Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ quy định: “c) Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 như sau: 5. Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

 

- Tại điểm b khoản 3, Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP quy định: “b) Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 Nghị định này”.

 

- Theo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 18/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh dự kiến ngân sách tỉnh hỗ trợ cho nhóm đối tượng này là 20% mức đóng bảo hiểm y tế.

 

Như vậy, đối với người DTTS sinh sống tại các xã khu vực II, khu vực III khi có quyết định công nhận xã Nông thôn mới thì hiển nhiên sẽ trở thành xã khu vực I và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế và ngân sách tỉnh hỗ trợ 20% mức đóng bảo hiểm y tế; còn lại 10% cá nhân tự đóng (khoảng 10.530 đồng/tháng áp dụng mức lương cơ bản là 2.340.000 đồng).

 

4. Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương tỉnh.

 

Đại biểu có ý kiến: Trên cơ sở nguồn thu tiền sử dụng đất hiện nay đạt thấp, đề nghị báo cáo làm rõ tính khả thi, đảm bảo nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các dự án đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ngân sách địa phương.

 

UBND tỉnh báo cáo như sau: Hiện nay, với tình hình “đóng băng” của thị trường bất động sản trên cả nước, nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn (thực nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh từ năm 2021 đến nay khoảng 1.408/6.142 tỷ đồng, chỉ đạt khoảng 23% so với nhu cầu kế hoạch 2021-2025). Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung các dự án mang tính chất trọng điểm như: Đường Trường Chinh (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Đào Duy Từ - phạm vi cầu nối qua sông Đăk Bla); Trụ sở làm việc các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; Trụ sở làm việc của UBND tỉnh, các sở, ban ngành và các hạng mục phụ trợ; Dự án đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao tại xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;… Theo đó, chỉ đạo một số dự án chỉ được triển khai thực hiện các bước tiếp theo khi cân đối, bố trí được vốn cho dự án và có ý kiến thống nhất bằng văn bản của UBND tỉnh (tại Thông báo số 531/TB-VP ngày 28/12/2022). Đối với các dự án khác khởi công mới, chưa thật sự cấp thiết sẽ bố trí khi đảm bảo nguồn thu (khi thị trường bất động sản hồi phục hoặc cân đối từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm) hoặc đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

 

5. Về việc giải quyết các kiến nghị cử tri.

 

Đại biểu có ý kiến: Đối với những nội dung kiến nghị cử tri vượt thẩm quyền, vì ngân sách không đáp ứng khả năng cân đối thì cân nhắc để trả lời dứt khoát cho cử tri biết, cử tri không lặp lại kiến nghị trong các đợt tiếp xúc cử tri sau này.

 

UBND tỉnh báo cáo như sau: Theo kiến nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về thẩm tra báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Khóa XII, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2358/UBND-NNTN ngày 04/7/2024 chỉ đạo các sở, ngành liên quan nâng cao vai trò trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, đảm bảo các nội dung trả lời, giải quyết phải chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Khi nhận được kiến nghị của cử tri, tổ chức rà soát, phân loại kiến nghị cử tri để lựa chọn và giải quyết, trả lời ngay các kiến nghị của cử tri có tính cấp thiết và các kiến nghị có nội dung rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời thông tin lại với cử tri và báo cáo kết quả gửi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết, trả lời dứt điểm các kiến nghị chưa có kết quả cuối cùng; đồng thời, có giải pháp cụ thể khắc phục các hạn chế trong công tác giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng, môi trường...; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thông tin kịp thời về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đến cơ sở; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri dễ theo dõi, giám sát, nắm bắt kịp thời; đối với những kiến nghị liên quan đến nguồn lực đầu tư, xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ chế chính sách xã hội ... cần có kế hoạch xác định rõ lộ trình, thời gian, nguồn lực cụ thể để thực hiện và thông tin đến cử tri biết, theo dõi.

 

Toàn cảnh phiên làm việc tại hội trường

 

Thưa quý vị đại biểu HĐND tỉnh và toàn thể cử tri trong tỉnh!

 

Năm 2024 được xác định là năm có ý nghĩa tăng tốc, dồn sức để “về đích sớm” trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Trên tinh thần kịp thời, chủ động, không làm suy giảm động lực tăng trưởng của nền kinh tế, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh khẩn trương cụ thể hóa, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết mà HĐND tỉnh đã thông qua tại kỳ họp lần này; cùng với sự nỗ lực và tâm huyết của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm và tâm huyết của các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng để hoàn chỉnh nội dung các dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương.

 

Chúc các vị đại biểu cùng toàn thể cử tri mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công. Xin trân trọng cảm ơn!

 

Cổng TTĐT tỉnh