Thứ hai, Ngày 16/09/2024 -
Tổng nguồn vốn của HTX trên tất cả các lĩnh vực là 290.000 triệu. Doanh thu bình quân khoảng 1.305 triệu đồng/HTX/năm; Lợi nhuận bình quân khoảng 290 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/người/năm.
Lĩnh vực nông nghiệp: Toàn tỉnh có 195 HTX, Doanh thu bình quân khoảng 1.035 triệu đồng/ HTX/ năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 250 triệu đồng/ HTX/ năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/ người/ năm; số lượng thành viên là 3.091 thành viên. Hầu hết các HTX đã kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, bố trí người có trách nhiệm cao vào các vị trí chủ chốt ở các khâu công việc, tạo được sự chuyển biến cơ bản về quan hệ sở hữu, phương thức quản lý và phân phối; hạch toán tài chính theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Các HTX chú trọng sử dụng phương thức khoán và hợp đồng dịch vụ trong các khâu để phát huy vai trò làm chủ của thành viên, tăng năng suất và sinh lợi trực tiếp; tiếp tục xử lý những tồn đọng về nguồn vốn, tài sản và vốn góp của thành viên, làm rõ tư cách thành viên. Nhiều HTX được tăng cường về nguồn lực con người, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính...Có trên 60% số HTX nông nghiệp đã có tích luỹ vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Các HTX này có tốc độ phát triển ổn định, bền vững, điển hình như: HTX Sáu Nhung, HTX Rạng Đông, HTX rau, hoa và du lịch Thanh Niên, HTX công bằng Pô Kô, HTX nấm Đông trùng hạ thảo, HTX Tân Sang Hoàng; HTX Cao nguyên Coffee; HTX dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông; HTX thế hệ mới Đắk Mar…
Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Toàn tỉnh có 14 HTX, doanh thu bình quân khoảng 870 triệu đồng/ HTX/ năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 230 triệu đồng/ năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/ người/ năm; số lượng thành viên là 204 thành viên. Các cấp, các ngành đã khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các HTX làng nghề truyền thống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, một số HTX đã chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hoàn thiện tổ chức sản xuất, quản lý. Hoạt động của các HTX tập trung chủ yếu vào các ngành nghề chế biến nông - lâm - thủy sản, dệt thổ cẩm, làm nhang và các sản phẩm từ mây tre.... Đây là lĩnh vực chịu nhiều tác động do nhu cầu tiêu dùng giảm nên hầu hết các HTX tiểu thủ công nghiệp duy trì sản xuất không ổn định, còn gặp nhiều khó khăn do chưa thích ứng với cơ chế thị trường, dẫn đến thu nhập của thành viên và người lao động chưa đảm bảo.
Trong lĩnh vực xây dựng: Toàn tỉnh có 17 HTX, Doanh thu bình quân khoảng 1.500 triệu đồng/ HTX/ năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 310 triệu đồng/ HTX/ năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 42 triệu đồng/ người/ năm; số lượng thành viên là 241 thành viên.
Các HTX đã chú trọng huy động vốn đầu tư, mạnh dạn đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất, đồng thời tập hợp được đội ngũ cán bộ kỹ thuật có tay nghề để tham gia đấu thầu các công trình quy mô nhỏ và vừa, các công trình giao thông, thủy lợi và xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn. HTX đã kết hợp giữa sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng, thích nghi được với cơ chế thị trường, kinh doanh có lãi, đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, tham gia đóng góp Ngân sách địa phương.
Tạo điều kiện cho các HTX xây dựng huy động thêm vốn, kết nạp thành viên, tuyển lao động có trình độ kỹ thuật để tham gia đấu thầu các công trình lớn, công trình ở nông thôn… Đồng thời phát triển các HTX xây dựng kiểu mới nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên là cá thể, hộ gia đình, các pháp nhân như: sản xuất hoặc cung ứng vật liệu xây dựng; tư vấn, khảo sát thiết kế xây dựng; thi công xây dựng; trang thiết bị phục vụ xây dựng; xây dựng và phát triển mô hình HTX áp dụng công nghệ chế tạo sẵn quy mô lớn theo hướng đa ngành nghề, kết hợp xây dựng, khai thác, sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng, thi công xây lắp...
Trong lĩnh vực vận tải: Toàn tỉnh có 08 HTX, Doanh thu bình quân khoảng 2.100 triệu đồng/ HTX/ năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 300 triệu đồng/ HTX/ năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 48 triệu đồng/ người/ năm; số lượng thành viên là 551 thành viên.
Các HTX kinh doanh vận tải hoạt động theo Luật HTX và đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, ngày 10/9/2014 của Chính Phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Các HTX chủ yếu kêu gọi các thành viên gia nhập góp vốn bằng phương tiện chủ yếu tham gia hoạt động kinh doanh vận tải.
Mô hình hoạt động hiệu quả hiện nay là các HTX vận tải hoạt động dịch vụ hỗ trợ, trong đó HTX đảm bảo cung ứng những khâu dịch vụ quan trọng cho thành viên như: đăng ký lưu hành, bến bãi, luồng tuyến, tìm nguồn hàng, nguồn khách, bảo hiểm, ký hợp đồng, xử lý rủi ro... Gần đây, để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường quản lý đầu xe và bảo đảm an toàn giao thông, nhiều HTX đã hướng dẫn thành viên tập trung phương tiện về HTX, chú trọng đầu tư, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ, tăng cường nguồn vốn sở hữu tập thể thông qua mua sắm phương tiện chung của HTX. Tạo điều kiện nguồn lực về tài chính và mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của các HTX vận tải, thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu HTX. Xây dựng mô hình liên hiệp HTX vận tải trên cơ sở thúc đẩy, tạo điều kiện tham gia tự nguyện của ít nhất 4 HTX vận tải thành viên.
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Toàn tỉnh có 40 HTX, doanh thu bình quân khoảng 1.650 triệu đồng/ HTX/ năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 290 triệu đồng/ HTX/ năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 48 triệu đồng/ người/ năm; số lượng thành viên là 471 thành viên.
Hoạt động của các HTX đã gắn với nhu cầu tiêu dùng của dân cư, của người tiêu dùng, bà con tiểu thương..., mở rộng mạng lưới đại lý chiếm lĩnh thị trường, tổ chức các mối quan hệ bạn hàng, liên kết được với các doanh nghiệp có cơ sở vật chất và kinh nghiệm trong kinh doanh thương mại, dịch vụ, gắn kết được với các địa bàn dân cư, góp phần đảm bảo ổn định giá, chống hàng giả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, một số HTX đã đầu tư xây dựng chợ, siêu thị mini để quảng bá sản phẩm của các HTX trong và ngoài tỉnh (HTX Sáu Nhung, HTX thế hệ mới Đắk Mar...).
Ngoài ra các HTX cũng đã mở rộng ngành nghề lĩnh vực hoạt động, nhiều HTX mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, chăn nuôi để tận dụng tối đa lợi thế của HTX, tạo thành một chuỗi để kinh doanh bền vững.
Xây dựng mô hình HTX thương mại theo hướng dịch vụ đa ngành nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, là nơi giải quyết đầu ra cho các sản phẩm của các hộ nông dân, đồng thời góp phần giải quyết lao động có thu nhập ổn định tại địa phương. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX sản xuất ổn định giá cả các mặt hàng, giảm sự chèn ép của tư thương đối với người tiêu dùng.
Trong lĩnh vực tín dụng: Trên địa bàn có 05 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổng nguồn vốn hoạt động của các QTDND đạt 269.192 triệu đồng; Doanh thu bình quân khoảng 5.000 triệu đồng/ quỹ/ năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 400 triệu đồng/ quỹ/ năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong quỹ khoảng 100 triệu đồng/ người/ năm; số lượng thành viên là 6.014 thành viên. Các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ổn định, có hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước, thu nhập của thành viên và người lao động ngày càng được cải thiện. Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo tính liên kết hệ thống và là lĩnh vực HTX hoạt động ổn định, có hiệu quả cao nhất hiện nay. Quỹ tín dụng nhân dân đã trở thành kênh huy động vốn và cho vay hiệu quả ở khu vực nông thôn, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân hiện có, tạo điều kiện phát triển mới Quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có điều kiện. Khuyến khích phát triển dịch vụ tín dụng nội bộ trong các HTX, nhằm chủ động về nguồn vốn, hỗ trợ cho các thành viên vay với lãi suất hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống của thành viên, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Có thể nói hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, LH HTX, THT đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên, tạo điều kiện để các thành viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, vừa đổi kiến thức để ứng dụng vào sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm; giúp các thành viên sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, vật tư, tiền vốn. Giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Các HTX hỗ trợ cung ứng vốn kịp thời cho hộ thành viên sản xuất, giải quyết khó khăn trong sinh hoạt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các HTX phi nông nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh khá năng động với nhiều hình thức sản xuất kinh doanh dịch vụ đa dạng; hoạt động kinh doanh ổn định mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Các THT, HTX đã tạo ra giá trị hàng hóa và cung ứng nhiều khâu dịch vụ cho thành viên, bước đầu tạo dựng thương hiệu, có uy tín giúp thành viên dễ bán hàng hóa. Ngoài ra, các HTX còn quan tâm đến việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất và sau thu hoạch, giúp hộ thành viên tăng năng lực sản xuất để sản phẩm đạt chất lượng cao. Các HTX thể hiện tốt vai trò hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới từng bước thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Thông qua hoạt động của HTX, một bộ phận dân cư (thành viên và người lao động tại chỗ) được tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức về mọi mặt, tính dân chủ được phát huy. Các HTX đã tham gia phúc lợi xã hội như đóng góp quỹ vì người nghèo, hỗ trợ giáo dục, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng cầu, đường, trường học, trạm xá… góp phần thực hiện chính sách xã hội./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan