Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam Lần thứ Nhất
Ngày đăng: 06/02/2023  09:24
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 03/02, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Văn bản số 253/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam Lần thứ Nhất vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 tại tỉnh Phú Thọ.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ với vai trò Thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ đã được quy định tại Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế; trình diễn, giới thiệu và quảng bá các di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào các Danh sách; nâng cao nhận thức, kỹ năng trình diễn giới thiệu và quảng bá di sản văn hoá phi vật thể cho cộng đồng chủ thể của di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam Lần thứ Nhất, thời gian khoảng tuần cuối tháng 4 năm 2023 (vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023) tại Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (thời gian cụ thể sẽ có thông báo sau).

 

Tại Liên hoan này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến mời các tỉnh/ thành phố chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể trong số 15 di sản đã được UNESCO ghi danh tham gia.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Cục Di sản văn hóa tổ chức thực hiện.

 

Văn bản đăng ký tham gia Liên hoan gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 15 tháng 02 năm 2023.

 

Danh sách 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh: (1) Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Triều Nguyễn; (2) Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; (3) Dân Ca Quan họ; (4) Hát Ca Trù của người Việt; (5) Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; (6) Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; (7) Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ; (8) Hát Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; (9) Nghi lễ và trò chơi Kéo co; (10) Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ; (11) Hát Xoan ở Phú Thọ; (12) Nghệ thuật Hát Bài Chòi Trung Bộ; (13) Thực hành Then Tày, Nùng, Thái; (14) Nghệ thuật Xòe Thái; (15) Nghề làm Gốm của người Chăm./.

 

                                                                                          Trịnh Minh